Thông tin Bất động sản

Bất động sản 24h: Bắt đầu thanh tra đất đai với quy mô lớn trên cả nước

30/08/2016 - 05:39 CH

Bắt đầu thanh tra đất đai với quy mô lớn trên cả nước; Nhà ở trung và cao cấp vẫn chiếm ưu thế về giao dịch thành công; Lượng tồn kho BĐS giảm mạnh; Thêm dự án gần 500 tỷ đồng tại quận 9 (Tp.HCM) là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
>> Bất động sản 24h: Giá bán căn hộ sẽ tăng từ 5-7% mỗi năm
>> Bất động sản 24h: Nhiều dự án sẽ mở bán sau tháng “cô hồn”

TIN TỨC - THỊ TRƯỜNG

Hiệp hội BĐS Việt Nam tham gia Liên minh các Hiệp hội BĐS ASEAN: Từ ngày 26-27/8/2016 tại Bangkok (Thái Lan), Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cùng Hiệp hội BĐS các nước trong khối ASEAN tham gia ký kết văn kiện thành lập Liên minh các Hiệp hội BĐS ASEAN gọi tắt là ARENA.


Quang cảnh ký kết văn kiện hợp tác thành lập ARENA.

Hội nghị đã thu hút đông đảo các Hiệp hội BĐS trong khu vực như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanma. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội BĐS Á Mỹ, đại diện Hiệp hội BĐS Trung Quốc, đại diện Hiệp hội BĐS Australia, UK…

Tại Hội nghị, 8 nước trong khối ASEAN đã tham gia ký kết văn kiện hợp tác thành lập ARENA. Hiệp hội BĐS các nước ASEAN chủ trương kết nối và thành lập Liên minh này với mục đích tạo cơ chế phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội BĐS các nước thành viên, giúp đỡ nhau cùng phát triển theo xu thế hợp tác chung của khối ASEAN và thế giới.

Bên cạnh đó, ARENA sẽ góp phần tăng cường trao đổi thông tin giữa các Hiệp hội BĐS trong khu vực, từ đó thêm hiểu biết về thị trường BĐS cũng như cơ hội đầu tư trong khối. Đồng thời, làm tăng thêm cơ hội giao lưu, tư vấn đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS các nước phát triển đồng đều hơn, nâng tầm các doanh nghiệp BĐS trong khu vực.

Ngoài ra, các chương trình hội thảo, diễn đàn của ARENA sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản trong khối ASEAN không chỉ học hỏi lẫn nhau mà còn là cơ hội tốt để đề ra các chiến lược kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất tại các nước.

Bắt đầu thanh tra đất đai với quy mô lớn trên cả nước: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020”. Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020 với kinh phí gần 50 tỷ đồng.
 

Mục tiêu tổng quát của Đề án là thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế hiện nay nhằm tăng cường phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, năm 2016, Đề án tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND các cấp huyện, xã trên phạm vi cả nước. Năm 2017, tập trung thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp. Năm 2018, tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Năm 2019, tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp. Năm 2020, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Nhà ở trung và cao cấp vẫn chiếm ưu thế về giao dịch thành công: Theo thống kê từ một số chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản, lượng giao dịch thành công trong tháng 8 tại Hà Nội và Tp.HCM chủ yếu tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp.


Lượng giao dịch thành công trên thị trường vẫn chủ yếu tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp

Cụ thể, lượng giao dịch thành công tại Hà Nội trong tháng 8 đạt khoảng 1.250 trường hợp; tại Tp.HCM có khoảng 1.200 giao dịch thành công, tương đương tháng trước. Nhìn chung, giao dịch bất động sản trong tháng 8 đã chững lại do yếu tố tâm lý “kiêng kỵ” tháng 7 âm lịch.

Lượng giao dịch thành công vẫn chủ yếu tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp. Nguồn cung bất động sản tại Hà Nội vẫn duy trì ổn định. Song, lượng cung chủ yếu vẫn tập trung tại phân khúc căn hộ trung - cao cấp; tại phân khúc bình dân, lượng cung căn hộ không nhiều.

Hiện tại, một số dự án mới chào bán ra thị trường được nhiều người quan tâm như: chung cư Vinhomes Metropolis - Liễu Giai (quận Ba Đình); dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An (quận Tây Hồ); chung cư An Bình City-Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm). ..

Tại Tp.HCM, lượng giao dịch thành công trong tháng 8/2016 có dấu hiệu chững lại. Giao dịch thành công chủ yếu trong giai đoạn này vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp với mật độ xây dựng thấp, vị trí thuận lợi tại khu vực trung tâm, tỷ lệ không gian xanh lớn, điển hình như dự án Diamond Lotus Riverside (quận 8); dự án Elite Park (quận Bình Thạnh); dự án Vinhomes Golden River (quận 1).

Ngoài ra, các dự án căn hộ nhà ở với diện tích vừa và nhỏ với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng cũng được chào bán và nhận được sự quan tâm của thị trường như: dự án Richmond City (quận Bình Thạnh); dự án Moonlight Garden (quận Thủ Đức); dự án City Gate 2 (quận 8); dự án Citihome (quận 2).

Thị trường đất nền nhà ở vùng ven Thành phố cũng là sản phẩm có lượng giao dịch tốt trên thị trường trong giai đoạn này như khu vực quận 2, quận 9.

Theo khuyến cáo của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá thị trường để quyết định đầu tư đúng hướng, tránh dôi dư nguồn cung dẫn đến tồn kho bất động sản.

Lượng tồn kho BĐS giảm mạnh: Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong 6 tháng đầu năm 2016, tồn kho bất động sản giảm 13.400 tỷ đồng, tương ứng hơn 26% so với cuối năm trước, đưa tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước tính đến cuối tháng 6/2016 xuống còn khoảng 37.489 tỷ đồng.

Trong đó, tại thị trường Hà Nội, giá trị tồn kho bất động sản hiện còn khoảng 5.888 tỷ đồng, giảm 858 tỷ đồng so với cuối tháng 12/2015. Trong các phân khúc, lượng tồn kho căn hộ chung cư giảm mạnh, chỉ còn khoảng 171 căn, tương đương 191 tỷ đồng, tồn kho nhà thấp tầng 1.939 căn, giá trị khoảng 5.697 tỷ đồng.

Còn lượng tồn kho tại TP. HCM là 6.815 tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho cao nhất nằm ở phân khúc chung cư với 2.588 căn, tương đương 4.406 tỷ đồng, tiếp đến là đất nền nhà ở 264.629 m2, xấp xỉ 1.203 tỷ đồng, nhà thấp tầng 275 căn, tương đương 770 tỷ đồng. Thấp nhất là tồn kho đất nền thương mại với 34.318 m2, tương đương 437 tỷ đồng.

THÔNG TIN DỰ ÁN

TPHCM: Yêu cầu chỉnh thiết kế công trình Thương xá Tax: Chính quyền TPHCM đã yêu cầu Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để điều chỉnh phương án thiết kế công trình Thương xá Tax theo hướng nghiên cứu bố trí phòng hội nghị có sức chứa trên 1.000 người, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng các sự kiện lớn.


Tại vị trí Thương xá Tax hiện hữu sẽ mọc lên một cao ốc 40 tầng. Ảnh wikipedia

Theo một lãnh đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, yêu cầu nói trên được đưa ra sau cuộc họp mới đây về quy hoạch tổng mặt bằng, phương án thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax tại địa điểm số 35-59 Lê Lợi, 122A-124B-124 Pasteur và 135 Nguyễn Huệ (Thương xá Tax cũ), phường Bến Nghé, quận 1.

Ngoài việc muốn có một phòng hội nghị lớn trong công trình Thương xá Tax, UBND TPHCM còn yêu cầu các đơn vị liên quan phải điều chỉnh con đường nội bộ (12 mét) cắt ngang công trình này. Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị phải phối hợp với Satra và các đơn vị tư vấn thiết kế có liên quan thực hiện rà soát kỹ lại phương án đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông gió của tòa nhà với dự án Khu thương mại ngầm Bến Thành (dưới đường Lê Lợi) đồng bộ với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Thêm dự án gần 500 tỷ đồng tại quận 9 (Tp.HCM): Đây là tòa nhà trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc dự án Saigon Silicon City, được xây dựng trên khuôn viên 11.368 m2 với tổng đầu tư 480 tỷ đồng, được thiết kế - xây dựng theo mô hình đô thị thông minh.


Saigon Silicon City được động thổ từ ngày 10/11/2015.

Trong đó, theo bản vẽ quy hoạch 1/500 được duyệt bao gồm 8.145 m2 diện tích đất xây dựng công trình và 3.223 m2 đất xây dựng đường nội bộ.

Dự án Saigon Silicon City Center nhằm nghiên cứu, phát triển công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn quốc tế về hợp tác, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ.

Tổng số vốn đầu tư khoảng 860 tỷ đồng (40 triệu USD) do Công ty Cổ phần Công viên Sài gòn Silicon làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 52ha, nếu được lấp đầy, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 32.250 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).

Unihomes phân phối dự án Đạt Gia Residence: Ngày 30/8, CTCP Bất động sản Unihomes (đơn vị phân phối) và Công ty TNHH Kinh doanh nhà Đạt Gia (chủ đầu tư) tổ chức ký kết phân phối dự án Đạt Gia Residence (ảnh).

Theo đó, Unihomes sẽ phân phối độc quyền tháp Centre Point tại dự án Đạt Gia Residence. Dự án có quy mô 27.800 m2, bao gồm hơn 1000 căn hộ, mật độ xây dựng 24,3%; dự án nằm trung tâm quận Thủ Đức, liền kề đường Phạm Văn Đồng dễ dàng kết nối vối trung tâm TP, sân bay Tân Sơn Nhất, các tỉnh Đông Nam bộ…

Cùng với hàng loạt tiện ích nội khu, phong cách kiến trúc Singapore công với sự phát triển mạnh mẽ về dịch vụ vui chơi giải trí, giáo dục y tế tại khu vực cửa ngõ phía Đông TP dự án sẽ mang lại cho khách hàng một cuộc sống thuận lợi nhất. Dịp này chủ đầu tư và Ngân hàng Đông Á cũng chính thức ký kết tài trợ cho dự án. Dự kiến sẽ bàn giao nhà vào Quý 2-2017.

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.