Sự kiện

Hội thảo "Các khía cạnh địa kỹ thuật và địa chất trong giải pháp CSHT dân dụng thông minh"

20/04/2024 - 10:48 SA

Ngày 18/4 đã diễn ra Hội thảo với chủ đề "Các khía cạnh địa kỹ thuật và địa chất trong giải pháp cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh". Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Xây dựng, Công nghiệp Mỏ và Giao thông - Máy móc, thiết bị, Công nghệ, Phương tiện và Vật liệu (Contech Vietnam 2024).
Tại Hội thảo, TS. Lê Huy Việt, Giảng viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, việc thiếu kiểm tra thường xuyên về an toàn công trình đã dẫn tới tình trạng các toà nhà dân dụng cùng cơ sở hạ tầng đối mặt với sự sụp đổ cấu trúc ngày càng tăng, gây thiệt hại về tính mạng con người cũng như tài sản. Để phòng ngừa trường hợp sụp đổ, các toà nhà thường lắp đặt hệ thống giám sát sức khỏe kết cấu (SHM) áp dụng cho các kết cấu quan trọng để theo dõi trạng thái của kết cấu và phát hiện phản ứng bất thường của chúng do nứt hoặc hư hỏng.

Các hệ thống giám sát hiện tại sử dụng các cảm biến gắn hoặc nhúng truyền thống, ví dụ: máy đo biến dạng, gốm áp điện (PZT), cảm biến sợi quang để đo biến dạng, ứng suất, hư hỏng, nhiệt độ, áp suất... nhưng đi kèm nhược điểm như độ bền của cảm biến thấp so với kết cấu bê tông, giá thành cao, cảm biến nhúng có thể ảnh hưởng đến độ bền của kết cấu.

Với bê tông thông minh kết hợp khả năng kiểm soát mất mát ứng suất nhằm ứng dụng trong kết cấu bê tông cốt thép mang lại nhiều hiệu quả như ứng suất/biến dạng hoặc hư hỏng của bê tông dưới tác dụng của tải trọng bên ngoài có thể được quan sát dựa trên sự thay đổi mạng dẫn điện do chất độn chức năng (bao gồm sợi cacbon, sợi thép, ống nano cacbon, niken…) tạo ra, TS. Lê Huy Việt cho hay.


TS. Tăng Văn Lâm, Giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết thêm, với mục tiêu giảm áp lực xử lý các loại chất thải công nghiệp, đặc biệt là tro bay,  xỉ phế thải... của các nhà máy nhiệt điện… giảm thiểu ảnh hưởng của khói bụi trong quá trình sản xuất xi măng, cũng như góp phần giải quyết bài toán khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình ở Việt Nam. Việc nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu xanh, bê tông xanh là cần thiết.

Chế tạo bê tông xanh sử dụng chất kết dính không xi măng từ hỗn hợp tro bay nhiệt điện, xỉ lò cao và phế thải gốm sứ tại Việt Nam. Có thể sử dụng toàn bộ lượng phế thải rắn công nghiệp để thay thế xi măng Portland truyền thống. Việc tiêu thụ một lượng lớn phế thải rắn, góp phần tạo ra môi trường “xanh” hơn, giảm lượng chất độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, để thương mại hoá sản phẩm từ bê tông xanh cần xây dựng lộ trình để từng bước đưa loại vật liệu này sử dụng trong các công trình xây dựng, ưu tiên dự án có nguồn vốn ngân sách Nhà nước, TS. Tăng Vân Lâm cho hay.

Cần xây dựng đơn giá, định mức cho loại vật liệu bê tông xanh không xi măng, các sản phẩm gạch không nung từ loại vật liệu xây dựng mới này đi cùng chính sách giá để khuyến khích người dân sử dụng.
 
VLXD.org (TH/ KTĐT)
 

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.