Vật liệu và Kiến trúc

Cách xử lý tường nhà ngừng thấm dột nhanh nhất

05/10/2022 - 01:58 SA

Vào mùa mưa hoặc những ngày thời tiết nồm ẩm, gia chủ phân vân không biết xử lý thế nào để tường nhà ngừng thấm dột nhanh nhất, vậy thì đừng bỏ qua những nội dung được đề cập trong bài viết sau.
>> Biện pháp chống thấm tường, trần nhà qua những trận mưa rào
>> 5 lý do chống thấm tường nhà
>> Những nguyên nhân chủ yếu gây thấm tường nhà và cách khắc phục hiệu quả (P1)
 

Nguyên nhân tường nhà thấm dột

Tường bị thấm nước là hiện tượng nước từ bên ngoài, thấm dần qua các phân tử bên trong của bức tường, phá hỏng cấu trúc bên trong của bức tường và thậm chí là thấm sang mặt bên kia gây mất thẩm mỹ cho không gian trong nhà.

Tường bị thấm nước có nhiều nguyên nhân như có thể do mái nhà bị cũ, bị nứt vỡ khiến cho nước mưa và hơi ẩm nước thấm xuống tường nhà. Hoặc cũng có thể do nhà xuất hiện những vết nứt chân chim làm nước theo mạch vỡ thấm vào tường gây ra hiện tượng tường ẩm ướt.

Một số công trình nhà ở thiết kế ống thoát nước gần với vị trí của rãnh tường nhà. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nước và hơi ẩm ngấm vào các vết nứt của tường. Lâu dần sẽ ngấm vào bên trong và gây ra hiện tượng thấm.

Với nhà cũ đã xuống cấp, tường nhà sẽ xuất hiện những vết nứt, vết hở, vết bong tróc. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hơi nước thấm sâu vào trong tường. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do người thợ xây dựng thiếu kinh nghiệm, thao tác sai kỹ thuật, tạo nên các lỗ hổng giữa các viên gạch.

Đây là lý do làm cho nước thấm vào nhanh hơn, gây hiện tượng tường nhà thấm dột dù nhà mới được đưa vào sử dụng.

Phần tường tiếp giáp cửa sổ là vị trí dễ bị thấm dột nếu không được lắp đặt, xây dựng đúng kỹ thuật

Kinh nghiệm xử lý tường nhà thấm dột

Đối với tường nhà cũ

Với tường nhà cũ bị thấm dột, gia chủ cần cạo sạch lớp sơn đã bong tróc. Sau đó sử dụng hoá chất để rửa và diệt sạch rêu mốc trên tường. Bước này rất quan trọng, nếu làm không sạch, vi khuẩn nấm mốc có nguy cơ quay lại nếu thời tiết ẩm ướt kéo dài.

Gia chủ có thể mua hóa chất tại các cửa hàng sơn. Tiếp theo dùng hồ để lấp các lỗ hổng và vết nứt trên tường, đợi tường khô thì sơn phủ lớp sơn chống kiềm và 2 lớp sơn chống thấm là xong.

Nếu thường nhà thấm dột xuất phát từ chi tiết rạn nứt cổ trần nhà, gia chủ cần đục rộng vết nứt từ 3 – 4cm, sau đó vệ sinh sạch sẽ. Tiếp đến, quét lớp hồ dầu kết nối latex, trát bằng lớp vữa chống thấm hai thành phần. Đợi lớp vữa khô, lăn hai lượt sơn chống thấm đàn hồi CT – 04, lượt trước cách lượt sau 30 phút.

Khu vực tường ngoài rạn nứt chân chim, cũng cần vệ sinh sạch sẽ, cạo sạch rêu mốc, bụi bẩn, rồi dùng rulo lăn hai lớp sơn chống thấm trần nhà cùng với trộn xi măng CT – 03, cách một ngày sau lăn tiếp hai lớp sơn chống thấm đàn hồi CT – 04, tránh cho việc tường sau này bị rạn nứt.

Đối với tường nhà mới

Nếu tình trạng thấm dột xuất hiện ở tường nhà mới, gia chủ nên dùng bột trét tường loại dành cho ngoài trời phủ kín bề mặt. Sau đó làm phẳng và láng bề mặt tường, kế đến phủ lớp sơn lót rồi mới đến lớp sơn chống thấm là được.

Nếu trần hoặc tường chỉ mới bị ố vàng, gia chủ có thể dùng các loại sơn chống thấm tường có đặc tính khô nhanh trong vòng 1 – 2 giờ để khắc phục hiện tượng thấm.

Một giải pháp được xem là đơn giản nhất và được nhiều người sử dụng nhất hiện nay là kết hợp sử dụng chất chống thấm và sơn ngoại thất có tính năng chống thấm.

Sơn có tính năng chống thấm được thiết kế tạo ra một lớp màng liên kết chặt chẽ với nhau bảo vệ bề mặt tường. Nên chọn dòng sơn có màng liên kết tốt, độ co giãn cao chịu được các tác nhân khắc nghiệt từ môi trường.

Lưu ý giúp hạn chế tình trạng tường nhà thấm dột

Bên cạnh việc khắc phục khi xảy ra thấm, dột, gia chủ cần thiết kế kết cấu mái sao cho phù hợp kiến trúc và khí hậu địa phương, đảm bảo hướng phân thuỷ và độ dốc thoát nước mưa, tránh tạo ra những khu vực dễ bị đọng nước.

Lưu ý với những công trình mái bằng, bạn cần đảm bảo độ dốc tối thiểu là 3%. Đồng thời, gia chủ cũng nên chú trọng việc cố định kết cấu mái (sử dụng vật liệu bê tông), tránh tác động trực tiếp của mưa nắng bằng các giải pháp như lợp, dán ngói (với mái dốc), kê tấm đan, phủ mái tôn, tấm bao che nhẹ (với mái bằng).

Gia chủ còn có thể dùng vữa chống thấm dạng composite, thường được sử dụng để chống thấm cho các loại bể chứa, làm đáy lót cho các sân vườn trên ban công hoặc trên mái.

Ngoài ra, cần đánh độ dốc đủ (2 – 3%) và đúng hướng cho các sàn vệ sinh, các sàn chịu nước như sân thượng, ban công, lô gia cũng hạn chế hiện tượng thấm, dột tường nhà.

VLXD.org (TH/ happynest)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.