Doanh nghiệp

Viện Vật liệu xây dựng: Cái nôi nghiên cứu khoa học đầu ngành

04/11/2014 - 05:58 CH

Tiền thân là Viện Silicat, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Vật liệu xây dựng trở thành cái nôi nghiên cứu khoa học đầu ngành, “cánh tay” đắc lực phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về VLXD của Bộ Xây dựng.
  
Viện trưởng Lương Đức Long tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Viện.

Khó khăn vững lửa đam mê


Ra đời trong mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ với tên “khai sinh” là Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thiết kế silicat (gọi tắt là Viện Silicat) trên cơ sở sáp nhập bộ phận thiết kế chuyên ngành Silicat của Viện Thiết kế Hóa chất và Phòng nghiên cứu Silicat của Viện Hóa học công nghiệp. 150 cán bộ, công nhân viên lúc ấy phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, thiết bị, dụng cụ nghiên cứu đơn giản, thô sơ đến mức sử dụng cả chiếc máy nghiền chế tạo từ… thùng phi, được đưa về từ xưởng công binh thời kỳ chống Pháp…

Những khó khăn thiếu thốn về vật chất không ngăn được niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao cháy bỏng, góp phần dựng xây đất nước của các thế hệ cán bộ Viện. Hàng loạt công trình nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ sản xuất ngói xi măng cát để thực hiện chủ trương ngói hóa của Đảng, nghiên cứu chế tạo gạch chịu axit phục vụ xây dựng các nhà máy hóa chất Việt Trì, super phốt phát Lâm Thao, đạm Hà Bắc, dệt Nam Định, dệt 8/3; nghiên cứu chế tạo sứ cách điện cao tần phục vụ ngành điện lực; nghiên cứu công nghệ sản xuất và thiết kế xây dựng nhà máy gạch chịu lửa Tam Tầng; thiết kế các nhà máy xi măng lò đứng… được triển khai mạnh mẽ.

 
Trung tâm Nghiên cứu vật liệu mới tại Khu công nghệ cao, P.Tân Phú, Q.9, TP. HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ quí II/2014.

5 năm sau khi ra đời, Viện được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười ra Quyết định số 108/BXD-TCCB đổi tên thành Viện Vật liệu xây dựng. Chiến tranh kết thúc cũng là thời điểm “tái cơ cấu” toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của ngành Xây dựng nói riêng và đất nước nói chung. Cùng với việc đổi mới về cơ cấu tổ chức, phát triển lực lượng, Viện tiến hành quy hoạch đánh giá khả năng sử dụng, phân bố sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản theo chất lượng của từng khu vực mỏ; tham gia lập quy hoạch VLXD cho 600 huyện điểm; triển khai chương trình cấp nhà nước về VLXD 26 - 02; xây dựng quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD Việt Nam giai đoạn 1991 - 2000 và quy hoạch VLXD cho các vùng kinh tế, các tỉnh, thành phố; nghiên cứu khôi phục các cơ sở sản xuất VLXD ở miền Nam sau giải phóng, lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng nhiều nhà máy sản xuất VLXD trên toàn quốc…

Phục vụ tốt quản lý nhà nước

Từ sau năm 1994, ngành công nghiệp sản xuất VLXD nước ta ghi dấu bước tiến lớn, phát triển vượt bậc về chất và lượng. Với phương châm đi trước đón đầu, Viện VLXD không ngừng đổi mới mạnh mẽ về chất, lượng và phương thức hoạt động, trở thành “cánh tay”, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước về VLXD. Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam do Viện xây dựng lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch số 121, ngày 01/8/2001) cùng hàng loạt các quy hoạch phát triển ngành như: Quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản làm VLXD Việt Nam, Quy hoạch tổng thế phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh, Quy hoạch phát triển VLXD của các tỉnh trong toàn quốc… Các quy hoạch do Viện lập được phê duyệt, triển khai đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước theo ngành trên tầm vĩ mô toàn quốc cũng như công tác quản lý nhà nước ở các địa phương và giúp doanh nghiệp sản xuất VLXD có căn cứ trong xây dựng dự án đầu tư phát triển sản xuất.

 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham quan dây chuyền tái chế phế thải công trình làm cốt liệu xây dựng (năm 2012).

Hiện viện có 2 phòng phân tích kiểm nghiệm được cấp chứng chỉ VILAS, 2 phòng PTKN được công nhận LAS-XD, nhiều thiết bị nghiên cứu, kiểm định VLXD của Viện đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước phát triển. Trong những năm gần đây, Viện đã xây dựng và chuyển đổi hầu hết các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử VLXD của Việt Nam để hội nhập với các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới, như: Tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn Mỹ ASTM.

Viện VLXD còn được biết đến như địa chỉ uy tín đầu ngành chuyên nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, công nghệ VLXD mới. Hàng loạt sản phẩm mới như Xi măng giếng khoan dầu khí theo tiêu chuẩn Mỹ, bê tông chịu lửa thế hệ mới, vật liệu composite chống ăn mòn, cát nghiền thay cát nhân tạo để chế tạo bê tông và vữa… được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn xây dựng công trình. Những nghiên cứu về tái chế, tái sử dụng chất thải, rác thải làm nguyên, nhiên liệu cho ngành sản xuất VLXD, nghiên cứu vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và vật liệu nano đang đồng loạt được triển khai.

Cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao

Không chỉ trở thành cơ quan đầu não của ngành VLXD nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học mới nhất trong nước và trên thế giới, Viện còn tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo được đội ngũ chuyên gia giỏi có đủ khả năng giải quyết những vấn đề khoa học lớn, khó, đào tạo hàng ngàn cán bộ kỹ thuật, công nhân thí nghiệm, công nhân vận hành sản xuất, làm chủ công nghệ nhập ngoại, đưa nhanh các dây chuyền mới đầu tư vào vận hành đạt công suất thiết kế với chất lượng sản phẩm cao. Viện thường xuyên hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học với các đối tác Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác.

Nếu trong khó khăn ngọn lửa đam mê nghiên cứu nhen lên bỏng cháy thì trong thời kỳ hội nhập quốc tế khát khao chinh phục làm chủ công nghệ mới tiên tiến trên thế giới, giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh, phát triển lý luận, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất đã giúp các lãnh đạo, cán bộ của Viện chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới. Nắm bắt các vấn đề mới trong sản xuất VLXD trên thế giới báo cáo Bộ Xây dựng có chính sách điều chỉnh phát triển ngành VLXD trong nước đảm bảo tính tiên tiến và cạnh tranh.

Chia sẻ về chiến lược phát triển Viện, PGS.TS Lương Đức Long - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết: Đòi hỏi của thực tế quản lý, sản xuất và sử dụng VLXD ngày càng cao. Để đáp ứng được đòi hỏi đó, Viện VLXD phải không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ, đổi mới trang thiết bị và cơ chế hoạt động. Ngay từ năm 2000, Viện VLXD đã xây dựng Chiến lược phát triển Viện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2010 Viện đã thực hiện đánh giá việc thực hiện Chiến lược đã có và xây dựng Chiến lược phát triển viện VLXD đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong Chiến lược này, Viện xác định mục tiêu là: “Phát triển Viện VLXD thành một viện nghiên cứu khoa học công nghệ đầu ngành về VLXD của Việt Nam, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, có uy tín trong khu vực ASEAN, thực hiện nghiên cứu các sản phẩm và công nghệ mang tính chiến lược phục vụ sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới của Viện làm tiền đề cho các hoạt động tư vấn, dịch vụ, sản xuất và kinh doanh. Mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài”.

 
Gạch chịu lửa Manhêzi cacbon do Viện VLXD chế tạo đang được xây cho lò luyện thép của Cty Gang thép Thái Nguyên.

Để thực hiện mục tiêu này, Viện xác định yếu tố quan trọng nhất mà Viện cần thường xuyên chăm lo phát triển là con người. Sau con người là cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động. Đến nay, qua 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển viện đến năm 2020, Viện VLXD đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra theo lộ trình, ví dụ: Số lượng nghiên cứu viên có trình độ đại học là trên 40 người, trong đó có 1 phó giáo sư, 10 tiến sỹ, nhiều cán bộ dưới 40 tuổi đã trở thành những chuyên gia vững vàng trong nghề. Về cơ sở vật chất, Viện đã thực hiện xong dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu vật liệu mới tại TP.HCM. Bước đầu Trung tâm đã được khai thác có hiệu quả và đúng nội dung đặt ra của Dự án đầu tư. Hiện nay Viện đã được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cấp đất để xây dựng cơ sở 2 của Viện tại miền Bắc, đúng như dự Chiến lược đã đề ra. Ngoài ra, thực hiện việc chuyên môn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Viện đã thành lập Cty CP VLXD tính năng cao (HIMAT), trong đó Viện nắm cổ phần chi phối. Bước đầu, Cty HIMAT đã triển khai các doạt động đúng như đề án thành lập Cty, góp phần vào việc chuyển đổi dần mô hình hoạt động của Viện đáp ứng mục tiêu tự vừa nâng cao năng lực nghiên cứu vừa tạo nguồn kinh phí đầu tư phát triển.

Ghi nhận sự cố gắng và những đóng góp của Viện VLXD, Đảng, Nhà nước và các đoàn thể đã trao tặng cho Viện nhiều huân chương, bằng khen. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, viện VLXD vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

5 năm và những con số “biết nói”

Lĩnh vực quy hoạch phát triển VLXD: Từ năm 2010-2014, Viện VLXD đã thực hiện các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và các địa phương, gồm xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2011); điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2014); xây dựng quy hoạch phát triển gạch gốm ốp lát và đá ốp lát (được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt tháng 9/2014); xây dựng Quy hoạch phát triển vôi; đã và đang xây dựng quy hoạch phát triển VLXD cho 34 tỉnh, thành trong cả nước.

Trong 5 năm qua, Viện đã xây dựng, soát xét 138 tiêu chuẩn về VLXD, góp phần khắc phục tình trạng thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa và sản phẩm VLXD.

Công tác chứng nhận, hợp chuẩn, hợp quy, thí nghiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại vật liệu lưu thông trên thị trường cho các sản phẩm VLXD trong nước và xuất nhập khẩu là điểm mới trong hoạt động khoa học và phục vụ quản lý nhà nước của Viện giai đoạn này. Từ năm 2011-2014, Viện đã cấp 1203 giấy chứng nhận hợp quy cho các loại hàng hóa VLXD nhập khẩu, 238 giấy chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

Trong 5 năm qua, Viện đã thực hiện nhiều dự án điều tra, đánh giá tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên làm VLXD, trình độ công nghệ sản xuất, quản lý, năng suất, chất lượng, môi trường, an toàn lao động của ngành VLXD, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành VLXD bền vững.

Viện đã triển khai 35 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong nghiên cứu vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị, phế thải công nghiệp làm VLXD, nghiên cứu vật liệu thích hợp cho công trình tại các vùng đặc thù…. Nhiều đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao.

Công tác đào tạo cán bộ, thí nghiệm viên, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho doanh nghiệp, xây dựng sổ tay quản lý chất lượng, quản lý môi trường, hệ thống chứng chỉ về chất lượng, môi trường, an toàn… cũng được đặc biệt chú trọng.

Theo Báo Xây dựng

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.