VLXD hoàn thiện mặt sàn

Tổng quan thị trường ngành sản xuất gạch ốp lát trên Thế giới

28/11/2022 - 04:30 CH

Được kỳ vọng có mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu gạch ốp lát giai đoạn 2019 - 2023, Châu Á Thái Bình Dương đã chứng minh được vị trí của mình khi thống lĩnh thị trường và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất - trên 40% vào năm 2020. Chính vì thế, các quốc gia sản xuất gạch ở châu Á liên tục đầu tư nhà máy và nâng công suất thiết kế với công nghệ Ý và Tây Ban Nha từ 2 - 3 năm.
Giai đoạn 2014 - 2018, ngành sản xuất gạch ốp lát Thế giới đi vào giai đoạn bão hòa với tốc độ tăng trưởng CAGR (Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép - Compounded Annual Growth Rate) giảm dần, chỉ đạt lần lượt là 1,32% và 1,39%. Tuy nhiên, dự đoán giai đoạn 2021 - 2028, tốc độ CAGR có thể lên tới 7.7% và có xu hướng nghiêng về châu Á.

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát và doanh thu không ngừng tăng
 
Tại thời điểm năm 2018, sản lượng cung cấp gạch ốp lát của châu Á lớn nhất Thế giới, chiếm tỉ trọng 68,6% toàn cầu - tương đương 8.980 triệu m². Trong khi đó, mặc dù là thị trường lớn trong nhiều năm nhưng sản lượng sản xuất và tỉ trọng sản xuất gạch ốp lát của Châu Âu lại sụt giảm, chỉ chiếm 15% sản lượng Thế giới và sản lượng dư cung ghi nhận ở mức 560 triệu m². 

Những khu vực như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Úc hiện đang thiếu hụt nguồn cung và phải nhập khẩu từ Châu Á và Châu Âu: Mỹ đứng vị trí số một về sản lượng nhập khẩu gạch ốp lát với 209 triệu m² năm 2018, chiếm 7,6% sản lượng nhập khẩu Thế giới, Iraq (4,5%), Ả Rập (4,1%), Pháp (3,9%).

Trên đà phát triển thuận lợi này, Ceramic World Review (CWR) đã thống kê tỷ lệ CAGR từ năm 2021 đến năm 2028 được dự kiến tăng đến 4,4%. Nếu như năm 2020 doanh thu thị trường đạt 247.4 tỷ USD, năm 2021 đạt 253.8 tỷ USD thì đến năm 2028, dự báo doanh thu sẽ đạt mốc 348.0 tỷ USD. Đây là một con số ấn tượng hứa hẹn sự phát triển và bùng nổ của thị trường gạch ốp lát trên toàn cầu.

Sự bứt phá và lên ngôi của gạch ốp lát Ấn Độ
 
Với tỉ trọng sản xuất và cung ứng ra thị trường lớn, tỉ lệ cạnh tranh giữa các dòng gạch ốp lát trên Thế giới vì thế cũng có sự phân hóa rõ rệt. Giữa muôn vàn những thương hiệu gạch ốp lát đa quốc gia, thị trường ghi nhận sự “lên  ngôi” của các thương hiệu gạch đến từ Italia, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc. 

Trong đó: gạch Italia thiên về vẻ đẹp sang trọng quý phái; gạch Tây Ban Nha nổi bật với các bề mặt men khô theo phong cách Ma rốc; gạch Malaysia phần lớn là các dòng gạch men khô với phần trăm bột đá cao; gạch Trung Quốc chủ yếu là dòng ceramic đa dạng mẫu mã sặc sỡ và phù hợp các khách hàng tiêu dùng bình dân; gạch Ấn Độ lại gây ấn tượng nhờ các ưu điểm vượt trội như  màu sắc tinh tế, hoa văn sắc nét và sống động, công nghệ sản xuất hiện đại, giá cả phù hợp với mọi phân khúc khách hàng.

Được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, đa phong cách với nhiều hoa văn, họa tiết… gạch ốp lát Ấn Độ không chỉ có lợi thế nằm trong khu vực có sản lượng cung lớn nhất Thế giới, mà còn dẫn đầu trong công nghệ sản xuất gạch ốp lát. Đồng thời, trở thành xu hướng mới về thiết kế nội thất trên thị trường.

Gạch ốp lát Ấn Độ có lợi thế ở phân khúc gạch cao cấp.
 
Những con số ấn tượng về thị trường gạch ốp lát Ấn Độ có thể kể đến như: Sản lượng xuất khẩu năm 2017 và 2018 tăng trưởng đạt 20.2%, sản lượng xuất khẩu năm 2018 và 2019 tăng 86 triệu m² (trong khi Trung Quốc giảm 75 triệu m²), năm 2019 thị trường gạch ốp lát Ấn Độ được định giá là 3.720,2 triệu USD và dự kiến đến năm 2027 sẽ đạt mốc 7.144,7 triệu USD. 

Với những con số ấn tượng này Ceramic World Review (CWR) thống kê tỷ lệ tăng trưởng CAGR từ năm 2020 đến năm 2027 của ngành gạch ốp lát Ấn Độ đạt tốc độ lên tới 8,6%.

Không nằm ngoài quy luật chung, thị trường gạch ốp lát Việt Nam chứng kiến sự đổi thay trong nhiều năm qua. Theo báo cáo ngành gạch ốp lát, FlooringInc, FPTS Research năm 2019, thị trường gạch ốp lát Việt Nam có đặc điểm là phân khúc cao cấp chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu, trong khi sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đa phần cạnh tranh mạnh ở các phân khúc trung và thấp.

Vì thế xu hướng tiêu dùng của thị trường chủ yếu sẽ theo thị hiếu cũng như mẫu mã của gạch ốp lát nhập khẩu. Theo số liệu thống kê về tình hình nhập khẩu gạch ốp lát về Việt Nam trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, gạch Ấn Độ đều đạt sản lượng cao so với các loại gạch khác trên Thế giới, lần lượt là: hơn 1,4 triệu m²; hơn 1,3 triệu m²; và hơn 1,5 triệu m².

Có thể thấy, xu hướng lên ngôi của gạch ốp lát Châu Á trên thị trường toàn cầu và sự bứt phá của gạch ốp lát Ấn Độ đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhờ áp dụng những công nghệ sản xuất gạch ốp lát hàng đầu Thế giới như: Sacmi - LB - EFI - APPEL - Systems Ceramic, gạch Ấn Độ với chất lượng cao cùng những thương hiệu uy tín đang là lựa chọn được nhiều khách hàng tin dùng.

VLXD.org (TH/ Mirolin Việt Nam)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.