Phát triển vật liệu không nung

Sản xuất và sử dụng VLKN: Còn nhiều trở ngại

24/08/2015 - 03:10 CH

Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch, ngói nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, để đưa loại vật liệu này trở nên phổ biến thì còn rất nhiều trở ngại.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, PGĐ Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, việc sử dụng loại VLXD không nung trong xây dựng trên địa bàn tỉnh thời điểm này vẫn còn hạn chế. Chỉ các công trình có vốn ngân sách mới sử dụng loại vật liệu này. Điển hình là công trình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới, Văn phòng Sở Xây dựng và một số công trình khác.

Theo quy định, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách từ năm 2014 trở đi, đặc biệt là xây dựng trường học, bệnh viện sẽ phải sử dụng tối thiểu 30% loại vật liệu không nung để xây dựng. Tuy nhiên, để loại vật liệu này phát triển tốt hơn trong thời gian tới, cần phải có sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể như tạo điều kiện về mặt bằng cho các nhà SX, nguồn vốn ưu đãi…


Trong tương lai, các công trình sử dụng VLKN sẽ trở thành xu hướng tất yếu

Theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, các nhà máy VLKN ra đời vào lúc kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLKN còn chưa đầy đủ.

Việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, tình hình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến nhằm hạn chế dần loại vật liệu nung truyền thống tại các địa phương còn chậm, dẫn đến sản lượng gạch đỏ còn nhiều.

Một trở ngại khá lớn khiến việc phổ biến vật liệu không nung gặp khó là kỹ thuật thi công VLKN, chủ yếu là gạch không nung, nhất là gạch bê tông khí chưng áp (ACC), đòi hỏi quy trình phức tạp hơn rất nhiều so với gạch nung truyền thống.

Một thợ hồ với gần 15 năm trong nghề chia sẻ: “Gạch không nung thật sự rất khó xây, nhất là với những người thợ tay ngang thì càng khó hơn. Vì hai biên viên gạch có diện tích nhỏ nên việc xây trát vữa đòi hỏi phải chỉnh chu. Riêng đối với gạch ACC thì lại càng không khác gì sự đánh đố. Muốn thao tác thuần thục, ngoài kỹ thuật, người thợ phải có đầy đủ các thiết bị và dụng cụ chuyên dụng”.

Như vậy, để chinh phục thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, còn rất nhiều việc phải làm đối với VLKN. Bởi ngay cả rất nhiều thợ hồ, thậm chí nhà thầu cũng chưa hình dung hết sự phong phú của chủng loại VLKN; dụng cụ thi công và những cách thức thi công khác nhau khi sử dụng VLKN.

Hơn nữa, hiện các chính sách đỡ đầu cho loại vật liệu này vẫn còn khá mỏng. Do đó, cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ cho VLKN như quy định chi tiết hơn nữa về sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng; chính sách tuyên truyền về lợi ích khi dùng VLKN; làm thế nào để hạ giá sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng… Có như vậy, lộ trình “khai tử” gạch nung và thay bằng VLKN mới đạt hiệu quả.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.