Cát, Đá, Sỏi

Thanh Hóa: Công trình bị đình trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá cát leo thang

04/04/2025 - 10:00 SA

Hiện nay, giá cát xây dựng tại Thanh Hóa đang tăng mạnh, có nơi chạm mốc 500.000 đồng/m³. Tình trạng này không chỉ đẩy chi phí xây dựng lên cao mà còn khiến nhiều công trình bị đình trệ, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu nguyên vật liệu.

Nguồn cung cát khan hiếm được cho là một trong những nguyên nhân đẩy giá cát lên cao.

 
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, ở thôn Đặng Đỗi, xã Trường Minh (huyện Nông Cống) đang trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà mới. Tuy nhiên, thay vì vui mừng, ông Tấn không giấu được lo lắng, do thiếu tiền, gia đình ông đã phải tạm dừng thi công từ cuối năm 2024. Đến đầu năm 2025 mới tiếp tục thì lại gặp cảnh giá cát tăng quá nhanh, khiến tổng chi phí đội thêm cả trăm triệu đồng so với dự toán ban đầu.

Không chỉ người dân gặp khó, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng chịu nhiều áp lực. Ông Lê Văn Nam, chủ một cơ sở kinh doanh vật liệu tại xã Trường Minh, cho biết, trước đây tôi chủ yếu lấy cát trong tỉnh, nhưng từ năm 2024 đến nay, nguồn cung hạn chế nên phải nhập từ Nghệ An. Giá cát dao động khoảng 400.000 đồng/m³, nếu vận chuyển từ các huyện như Yên Định, Thiệu Hóa… có thể lên tới 500.000 đồng/m³.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn. Tại TP. Thanh Hóa, anh Trương Tiến Hiệp, chủ một doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại phường Quảng Thành cho biết, giá cát tăng đột biến đi kèm với tình trạng khan hiếm. Nhiều công trình đã ký hợp đồng từ trước với đơn giá cũ, giờ giá tăng nhưng chúng tôi vẫn phải giao hàng theo cam kết, dẫn đến thua lỗ.

Giá cát tăng không chỉ ảnh hưởng đến ngành Xây dựng dân dụng mà còn đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất. Tại huyện Thọ Xuân, một doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi đã phải tạm dừng hoạt động hơn một tuần nay vì không đủ cát để vận hành. Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn chia sẻ, giá cát bê tông nhập từ các mỏ địa phương tăng từ 180.000 đồng lên đến 350.000 đồng/m³. Không thể sản xuất, doanh nghiệp đành phải cho 100 công nhân nghỉ tạm thời.

Tình trạng thiếu cát càng trầm trọng hơn tại các huyện miền núi, nơi không có mỏ cát. Ông Lộc Văn Hào, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Quan Hóa cho biết, giá cát tại đây dao động từ 400.000 450.000 đồng/m³, có nơi còn vượt mốc 500.000 đồng nếu vận chuyển xa. Hiện 12 dự án đầu tư công trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu nguyên vật liệu.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến giá cát leo thang là do nhiều mỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tạm dừng khai thác để phục vụ công tác thanh tra, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh. Tình trạng này tạo điều kiện cho việc găm hàng, thao túng giá. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác và phân phối cát xây dựng. Việc minh bạch nguồn cung, xử lý hành vi trục lợi và thao túng giá là cần thiết để bình ổn thị trường, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
 
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.