NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG

Đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở Thi công bằng công nghệ ít thâm dụng mặt bằng

19/09/2013 - 06:41 SA

 “Với thiết kế kết cấu dầm cầu chính là dầm hộp bê tông dự ứng lực liên tục, hệ thống móng, trụ là bê tông cốt thép dựa trên hệ cọc khoan nhồi đường kính 1,5m thì việc thi công Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở trong 48 tháng là vừa sức với các nhà thầu xây dựng trong nước. Đây cũng là công nghệ ít thâm dụng mặt bằng thi công”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Sơn - Tổng giám đốc TCty Tư vấn thiết kế giao thông- vận tải (TEDI).


Thiết kế khả thi, chọn được chủ đầu tư uy tín


Theo các chuyên gia, đây là một tuyến đường khó của Hà Nội, cần phải tính toán kết hợp xây dựng đường trên cao với mở rộng tuyến đường vành đai 2 dưới mặt đất, lựa chọn công nghệ và ý tưởng quy hoạch phù hợp. Mặc dù hơi chậm trễ (sau 3 năm nghiên cứu) nhưng đến nay Hà Nội cũng đã đưa ra được phương án thiết kế, lựa chọn chủ đầu tư phù hợp, khả thi nhất để triển khai dự án vào năm 2014.

Với thiết kế kết cấu dầm cầu chính là dầm hộp bê tông dự ứng lực liên tục, hệ thống móng, trụ là bê tông cốt thép dựa trên hệ cọc khoan nhồi đường kính 1,5m, chiều dài toàn tuyến là 5.081,36m, nằm trong dải phân cách giữa của tuyến đường vành đai 2 (đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy), các hạng mục chính của dự án gồm cầu chính (mặt cắt ngang tuyến đường bộ trên cao B=19,0m) và cầu dẫn (B=7,00m), kết nối với tuyến đường đi dưới tại 3 vị trí: Đầu cầu Vĩnh Tuy, nút Ngã Tư Vọng, nút Ngã Tư Sở. Công nghệ thi công được lựa chọn ít thâm dụng mặt bằng nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của dự án.

Không đập bỏ hai cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, UBND TP Hà Nội quyết định đường trên cao sẽ vượt qua cầu Vọng hiện tại và tuyến đường sắt số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), kết nối với đường bên dưới bằng 4 nhánh cầu dẫn lên xuống kẹp hai bên cầu chính. Tại nút giao Ngã Tư Sở, đường trên cao sẽ tạm dừng trước nút giao này và kết nối với đường dưới bằng 2 nhánh cầu lên xuống kẹp hai bên cầu chính.

Cao độ mặt cầu cách cao độ tuyến đường bên dưới khoảng 10m, đảm bảo tĩnh không của đường bên dưới đối với đoạn thông thường khoảng 11 - 12m, riêng đoạn từ đầu tuyến đến cầu Mai Động có cao độ mặt cầu cách cao độ tuyến đường bên dưới khoảng 10m, đảm bảo tĩnh không của đường bên dưới tối thiểu 4,75m tại vị trí giao cắt với tuyến đường sắt đô thị số 3). Dự án cũng xây dựng đồng bộ tuyến đường bộ trên cao, gồm hệ thống chiếu sáng, thoát nước, tường chắn, hệ thống biển báo và an toàn giao thông. Diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án khoảng 10,40ha (trong phạm vi chỉ giới đường đỏ vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng- cầu Vĩnh Tuy.

Không chỉ lựa chọn công nghệ dầm hộp liên tục ít thâm dụng mặt bằng thi công nhất, Hà Nội còn chọn Vingroup – một Tập đoàn kinh tế có tiềm năng, nổi tiếng qua việc thực hiện nhiều dự án bất động sản lớn có đẳng cấp khu vực và trên thế giới… làm chủ đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Tiến độ phụ thuộc GPMB


Theo thống kê sơ bộ của UBND TP Hà Nội, có tổng cộng 2.357 hộ dân thuộc 4 phường Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định và Đồng Tâm (Q.Hai Bà Trưng) bị thu hồi đất và thực hiện tái định cư phục vụ mở rộng đoạn vành đai 2 Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng dài 3km, chiều rộng mặt cắt ngang là 53,5 - 63,5m. Đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có quy mô công trình dài 2,5km với tiêu chuẩn đường phố chính cấp II, bề rộng mặt đường 50m, dự kiến, sẽ có 1.500 hộ phải di chuyển. Tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư lên tới gần 4.000 hộ.

Thiết kế hoàn toàn khả thi, lựa chọn được chủ đầu tư uy tín, đủ năng lực thi công dự án nhưng để dự án hoàn thành đúng tiến độ, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ GPMB như công bố minh bạch cách tính toán, giá đền bù phù hợp cho người dân có đất tại dự án…

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là tuyến huyết mạch, tất yếu phải có bởi nhu cầu đi lại lớn, đường hiện tại rất hẹp nên thường xuyên tắc. So sánh các phương án, xét cả 2 mặt kinh tế kỹ thuật và xã hội thì xây dựng đường trên cao là khả thi nhất. Vấn đề là làm sao đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm.

Còn ông Nguyễn Văn Khôi - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thì nhấn mạnh: Sau khi hoàn thành (cùng với phần đường đi thấp được mở rộng tới hết chỉ giới quy hoạch), tuyến đường trên cao sẽ góp phần phân bổ và điều tiết nhu cầu giao thông giữa khu vực ngoại thành và nội thành, làm hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông do lưu lượng các phương tiện giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay.

Theo Báo Xây dựng

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.