VLXD hoàn thiện mặt sàn

Những lưu ý khi sử dụng sản gỗ cho ngôi nhà của bạn

09/03/2021 - 03:07 CH

Gỗ là một trong những loại vật liệu lát sàn được nhiều người yêu thích nhờ tính thẩm mỹ cao, tạo vẻ đẹp sang trọng mà tự nhiên. Mặc dù vậy, khả năng chịu nước kém của gỗ thường khiến các gia chủ đau đầu khi gặp phải tình trạng sàn gỗ phồng rộp, cong vênh, hở hèm…
Nguyên nhân khiến sàn gỗ bị phồng rộp

Chất lượng sản phẩm

Những mẫu sàn gỗ công nghiệp giá rẻ được nhiều người lựa chọn vì phù hợp với khả năng tài chính, mẫu mã đa dạng, đẹp không kém gỗ tự nhiên nhưng khả năng chịu nước rất thấp. Người dùng chỉ cần vài lần sơ ý làm đổ nước ra sàn mà không lau kịp thời, sàn gỗ công nghiệp giá rẻ sẽ lập tức xuất hiện tình trạng phồng rộp.


 
Yếu tố môi trường

Nhiệt độ, độ ẩm là các yếu tố môi trường có tác động trực tiếp đến tuổi thọ của sàn gỗ. Đặc biệt, những nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, sàn gỗ thường nhanh xuống cấp, bị phồng rộp, cong vênh, hở hèm, mối mọt hơn so với các nước có khí hậu khô, lạnh.

Quá trình sử dụng

Nhiều gia chủ vẫn gặp phải tình trạng sàn gỗ phồng rộp nhanh chóng do những sai lầm trong quá trình sử dụng. Đơn cử, nhiều người lau sàn bằng chổi quá ẩm ướt, để lại vệt nước đọng trên mặt sàn trong thời gian dài.

Các hoạt động nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp khiến nước rơi ra sàn nhưng không lau đi ngay, lâu ngày sẽ hình thành vết rộp như đồng xu trên bề mặt sàn rồi dần lan ra. Ngoài ra, tại các vị trí kê đồ nội thất lớn, nặng như giường, tủ âm tường, sàn gỗ cũng dễ bị cong vênh do chịu lực tác động và giãn nở không đều.

Cách khắc phục sàn gỗ bị phồng rộp đơn giản, hiệu quả

Khắc phục sàn gỗ bị phồng rộp do ngấm nước

Ở mức độ nhẹ, nước mới tràn ra sàn với số lượng ít, trong thời gian ngắn, bạn hãy dùng khăn mềm thấm khô hết nước trên bề mặt. Lưu ý tránh dùng loại vải cứng, thô ráp vì sẽ làm trầy xước bề mặt sàn. Sau đó, bật quạt điện thổi trực tiếp vào vị trí bị ngấm nước hoặc dùng máy sấy chế độ lạnh cho đến khi nước dưới sàn bốc hơi hết.

Ở mức độ nặng, sàn gỗ bị ngấm nước quá lâu, bị giãn nở nhiều, cần tiến hành khắc phục như sau:

Tháo một bên thanh nẹp gỗ hoặc phào ở sát tường ra rồi đo để cắt bỏ một phần của sàn gỗ, chọn thanh nẹp dọc theo chiều dài của các miếng gỗ.

Dùng quạt điện hoặc máy sấy lạnh để thổi cho nước bốc hơi hết trong khoảng 5 - 7 ngày. Khi khô hết, sàn gỗ có thể sẽ phục hồi về trạng thái ban đầu.

Khắc phục sàn gỗ bị phồng rộp do các nguyên nhân khác

Nếu sàn gỗ bị phồng rộp, cong vênh do thi công sai kỹ thuật, không chừa lại khoảng trống cho gỗ giãn nở thì cách duy nhất là tháo len tường gỗ ra, dùng máy cắt cầm tay hoặc đục để cắt bớt phần sàn gỗ sát tường, tạo khoảng trống cần thiết.

Trường hợp sàn bị phồng ở giữa, hãy tháo dỡ hết phần phồng rộp, cắt bớt đi rồi lắp đặt lại. Nếu sàn bị cong vênh do lắp đặt không khớp thì khắc phục bằng cách mở sàn nhà, chỉnh lại phần giá đỡ trên, dưới sao cho khớp với nhau. Nếu không tự tin vào khả năng của mình, gia chủ nên nhờ tới sự giúp đỡ của nhân viên kỹ thuật để đảm bảo tính thẩm mỹ, chất lượng cho sàn nhà.

Một số lưu ý để hạn chế hiện tượng sàn gỗ phồng rộp, cong vênh

Khi lắp đặt, phải chừa ra một khoảng trống 10 - 12 mm gần chân tường để sàn gỗ giãn nở trong trường hợp bị ngấm nước.

Với các phòng trên cùng một mặt bằng, khi thi công sàn, bạn nên ngắt riêng biệt từng phòng để tránh hiện tượng sàn cong vênh đồng loạt, phải khắc phục trên quy mô lớn.

Nếu nhà có hướng nắng chiếu thẳng vào, nên sử dụng rèm hoặc đóng cửa để hạn chế nhiệt độ cao, nắng chiếu trực tiếp sẽ khiến sàn bị giãn nở, gây phồng rộp, cong vênh.

Vào mùa nồm, nên hạn chế mở cửa phòng để ngăn hơi ẩm vào nhà; Hạn chế tối đa việc làm nước đổ ra sàn; Sử dụng nước lau rửa chuyên dụng để lau sàn gỗ; Có biện pháp xử lý ngay khi phát hiện sàn phồng rộp, cong vênh, tránh để lâu ngày sẽ càng khó sửa chữa.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.