Biến động giá

Ngành than những tháng cuối năm: Đẩy mạnh tiêu thụ

16/10/2012 - 02:28 CH

Với rất nhiều cố gắng trong sản xuất, điều hành, đồng thời tích cực, chủ động kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành…, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã vượt qua 9 tháng đầy khó khăn.
Để hoàn thành kế hoạch năm 2012, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn chỉ đạo: “Các đơn vị phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đặt ra cho quý IV với tinh thần nỗ lực cao nhất”.

Tiêu thụ - nhiệm vụ hàng đầu

Theo Tổng giám đốc Vinacomin  - Lê Minh Chuẩn, mặc dù đến nay, giá than bán cho điện đã được giải quyết nhưng số tiền thêm được từ việc tăng giá bán than cho điện (khoảng 700 tỉ đồng) vẫn chưa thấm vào đâu so với số tiền hàng năm Vinacomin phải bù lỗ cho việc này.

Thêm vào đó, 9 tháng đầu năm, do tiêu thụ than chậm, tồn kho cao đã khiến nhiều đơn vị phát sinh thêm chi phí để gom gạt bãi, bảo quản, tránh bị hư hao, dẫn đến cân đối tài chính gặp nhiều khó khăn. Một số công ty rơi vào tình cảnh lỗ lớn như: Nam Mẫu, Hạ Long, Uông Bí. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng 3 tháng cuối năm là đẩy mạnh tiêu thụ để cân đối tài chính cho tập đoàn, giải quyết việc làm cho người lao động.

Để việc tiêu thụ than được thuận lợi, Vinacomin chỉ đạo các đơn vị bám sát thị trường, có biện pháp kịp thời, phù hợp. Tập đoàn khuyến khích các đơn vị tăng sản lượng tiêu thụ so với kế hoạch điều hành; đồng thời ưu tiên tiêu thụ than của các đơn vị có giá thành thấp, nhằm đảm bảo cân đối tài chính trong tập đoàn.

Bên cạnh đó, việc thuế xuất khẩu đã có chủ trương được giảm xuống 10% có thể xem là điều kiện thuận lợi để các đơn vị xuất khẩu than hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh khiến cho sự cạnh tranh giữa các thị trường xuất khẩu than lớn. Vì vậy, các đơn vị xuất khẩu phải tăng cường bám sát diễn biến thị trường, đảm bảo lấy than đúng tiến độ. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, số lượng giao cho khách hàng để tránh tối đa những khiếu nại; giữ mối quan hệ tốt với khách hàng…

Về việc thu hồi công nợ của các hộ tiêu thụ, ông Chuẩn cho biết, việc thành lập ban thu hồi công nợ trong năm 2012 nhằm theo dõi, đôn đốc khách hàng thanh toán đúng hạn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Công việc này cần được làm tích cực hơn trong những tháng cuối năm. quý IV chính là thời điểm “nước rút” để các đơn vị kinh doanh thực hiện những bước còn lại của phương án tiết giảm tối thiểu 15% chi phí bán hàng và chi phí quản lý so với năm 2011.

Bám sát kế hoạch

Theo kế hoạch, sản lượng than nguyên khai sản xuất còn lại của quý IV là 10,8 triệu tấn. Thực hiện kế hoạch điều chỉnh số 1904/QĐ- Vinacomin ngày 31/8/2012, ông Chuẩn chỉ đạo, quý IV, các đơn vị sản xuất, chế biến phải thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch phẩm cấp. Cụ thể, chỉ sản xuất các loại than cám từ 6b trở lên (than sạch, được sàng tuyển tốt), không sản xuất các chủng loại than có phẩm cấp thấp. Các đơn vị phải tập trung kéo than ra các nhà máy tuyển để chế biến các loại chất lượng cao, đặc biệt chế biến than cục 4; tận dụng năng lực bốc rót tại cảng chính, giảm chi phí và hao hụt trong vận chuyển. Đây được xem là một yêu cầu quan trọng đối với tất cả các đơn vị để đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ than.

Theo nhận định của Vinacomin, khó khăn hiện tại của ngành than chỉ là tạm thời do tác động của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước. Khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu than cho nhiều ngành kinh tế vẫn rất cao. Vì vậy, để đảm bảo sản lượng năm 2015 theo kế hoạch, các đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh đào lò xây dựng cơ bản và đảm bảo tiến độ xây dựng các mỏ than, nhà máy tuyển, cơ sở hạ tầng mỏ…; chuẩn bị sẵn sàng để ngành than có thể vực dậy trong những năm tới. Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Hòa khẳng định: Khó khăn của ngành than hôm nay cũng là dịp để chúng ta dừng lại, nhìn lại và chấn chỉnh hoạt động, chuẩn bị sức lực để tiếp tục những bước đi vững vàng hơn.

Theo kế hoạch sản xuất tiêu thụ than năm 2012 của Vinacomin, sản lượng tiêu thụ than còn lại của quý IV tối thiểu là 11,3 triệu tấn, phấn đấu 12,3 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước 6,2-6,7 triệu tấn; xuất khẩu 5,1-5,6 triệu tấn.

Theo baocongthuong

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.