VLXD hoàn thiện tường, trần

Lợp ngói và dán ngói - chọn cách nào?

08/01/2015 - 03:58 CH

Lợp ngói và dán ngói là hai cách thức thi công tuy cùng tạo ra một dáng vẻ bên ngoài cho ngôi nhà nhưng giữa hai cách này có sự khác biệt. Thực tế có rất nhiều ngôi nhà trong quá trình thi công khiến cả chủ nhà và người thiết kế đau đầu không biết nên chọn cách nào?
Tại sao phần mái ngói lại gây khó khăn cho người thi công đến vậy? Có người bảo đúc bê tông rồi dán ngói cho chắc chắn, ý kiến khác lại thích lợp mái ngói kiểu xưa hơn. Có thể nói các giai đoạn hoàn thành ngôi nhà thì việc chọn cách làm mái như thế nào cũng không kém phần quan trọng buộc gia chủ phải quan tâm và đầu tư kiến thức nhiều không kém so với việc chọn các thiết kế nội thất cho gia đình.

Vậy giữa lợp ngói và dán ngói có gì khác biệt? Ưu, nhược điểm của từng cách thức thi công như thế nào?

Với mái bê tông đúc nghiêng rồi dán ngói lên, khối lượng bộ mái khá nặng, bao gồm dầm, tấm sàn, vữa hồ... và bị lưu nhiệt trong kết cấu, thời gian thi công khá lâu và phức tạp. Do mảng mái bê tông có bề mặt rộng dễ bị co ngót khi thời tiết thay đổi nên hiện tượng nứt thấm dột dễ xảy ra. Với mái kiểu này, khi sửa chữa chống thấm rất khó khăn.


Mái ngói lợp theo cách truyền thống

Còn lợp mái theo cách truyền thống dùng kèo, rui, mè... mà hiện nay thường dùng hệ sắt hộp hoặc hệ thép mạ thì có khối lượng ngói nhẹ hơn, các viên ngói liên kết trên giàn không phải bằng cách bị "dán" cứng lên tấm bê tông, nên có thể co giãn tốt theo thời tiết. Việc thi công lợp ngói theo trình tự của nhà sản xuất khá đơn giản và sửa chữa cũng dễ dàng vì có thể gỡ từng viên thay vì phải đục ra. Nếu so sánh về tổng chi phí thì mái ngói lợp khung thép chỉ bằng khoảng 60% so với mái ngói dán trên tấm bê tông và thời gian thi công có thể rút ngắn khoảng một nửa.

Tóm lại, nên chọn cách lợp ngói đối với hệ mái diện tích rộng và dĩ nhiên phải có thiết kế chi tiết, tính toán số lượng đòn tay, rui mè chính xác. Còn biện pháp dán ngói vẫn có thể dùng cho mái nói chung, nhưng sẽ tốt hơn với diện tích nhỏ (sự co ngót ít và khối lượng bê tông cũng giảm) như mái cổng, mái viền trên cửa, mái hắt ban công... Và về mặt thẩm mỹ, như nhiều người nhận xét, một bộ mái ngói được lợp đầy đủ với hệ rui mè đòn tay bên dưới trông vẫn "đúng kiểu" hơn, đem lại sự thụ cảm đầy đủ về cấu trúc hơn so với ngói dán lên một tấm bê tông phẳng.


Dán ngói theo cách mới

Cũng có người lo ngại rằng lợp ngói kiểu xưa thì khe hở giữa các viên ngói có thể bị mưa tạt, hoặc... trộm cạy ngói chui xuống như thuở xưa. Thực ra điều này không chính xác vì ngói thế hệ mới hiện nay khá đồng đều và chuẩn, lợp đúng quy cách rất khít và chắc chắn. Có thể nói, với chất lượng của ngói màu và các hệ giàn thép hiện đại thì nỗi ám ảnh mái nhà dùng khung gỗ mục nát thấm dột ngày xưa đã lùi hẳn vào dĩ vãng. Việc dán ngói trên diện tích mái lớn đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và không phù hợp, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta.

Hiện nay các hãng sản xuất ngói như Đồng Tâm, Đồng Nai, CPAC Monier, Nakamura... đều có hướng dẫn chi tiết cách lợp với hệ giàn thép hoặc gỗ sao cho hiệu quả và thẩm mỹ.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.