Mỹ và EU siết chặt thuế quan đối với thép Trung Quốc, đẩy dòng chảy thép giá rẻ sang khu vực Đông Nam Á. Hiện nay nhu cầu thép tại các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á vẫn phục hồi chậm chạp sau đại dịch, sản lượng dư thừa từ Trung Quốc ngày càng lớn, tạo áp lực nặng nề lên ngành công nghiệp thép ASEAN.

Thép Trung Quốc đang tràn vào Đông Nam Á do Mỹ và EU siết chặt thuế quan, khiến khu vực này trở thành điểm đến chính của thép giá rẻ. Chính sách thuế 25% của Mỹ cùng với việc ngăn chặn thép Trung Quốc lách thuế qua Canada và Mexico đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN. Trong khi đó, EU cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu, còn Australia tìm kiếm thị trường mới sau khi Mỹ từ chối miễn trừ thuế.
Nhu cầu thép ở Đông Nam Á phục hồi chậm, tỷ lệ sử dụng công suất chỉ 61%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu. Trung Quốc sản xuất 1 tỷ tấn thép năm 2024, tạo áp lực dư cung, khiến ASEAN buộc phải áp thuế chống bán phá giá. Dự kiến năm 2025, sản lượng thép Trung Quốc có thể giảm xuống 900 triệu tấn nhưng vẫn vượt xa nhu cầu toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo thép giá rẻ có thể khiến ngành Thép của ASEAN lao đao, buộc nhiều nhà sản xuất cắt giảm sản lượng. Hiệp hội Sắt thép Đông Nam Á kêu gọi các doanh nghiệp đổi mới hoặc sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Tại Indonesia, thép tấm ô tô giá rẻ Trung Quốc đang đe dọa thị trường nội địa. ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) chỉ chiếm 2,9% sản lượng thép toàn cầu nhưng chịu áp lực dư cung lớn.
Năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu kỷ lục 110,7 triệu tấn thép, tạo nguy cơ ASEAN trở thành bãi đáp cho lượng hàng giá rẻ này. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia cảnh báo, các nhà máy thép quốc doanh Trung Quốc có thể chịu lỗ hàng tỉ USD, trong khi doanh nghiệp ASEAN không thể cạnh tranh kiểu đó. Ông nhận định, 3 - 6 tháng tới sẽ là giai đoạn quyết định để ngành Thép khu vực thử thách sức chịu đựng trước biến động toàn cầu.
VLXD.org (TH/ Business Times, Mysteel, SEAISI Articles)
Ý kiến của bạn