Theo dự báo, đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ thiếu hụt 192 triệu m³ đất san lấp và 11 triệu m³ cát xây dựng, trong khi đó, trữ lượng đá xây dựng lại dư thừa tới 55 triệu m³. Tình trạng mất cân đối trong khai thác và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng.

Theo dự báo đến năm 2030 Thanh Hóa sẽ thiếu khoảng 11 triệu m³ cát.
Thanh Hóa đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về đất san lấp và cát xây dựng đến năm 2030. Dự kiến, tổng khối lượng thiếu hụt so với nhu cầu sẽ lên đến 192 triệu m³ đất và 11 triệu m³ cát, trong khi đó, trữ lượng đá xây dựng lại dư thừa tới 55 triệu m³.
Theo Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ), toàn tỉnh có 557 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có 187 mỏ đá xây dựng với trữ lượng 652 triệu m³, 233 mỏ đất xây dựng với trữ lượng 235 triệu m³, gồm 156 mỏ đất san lấp (183 triệu m³), 17 mỏ đất đắp đê (26 triệu m³), 60 mỏ đất sét gạch (26 triệu m³) và 124 mỏ cát xây dựng với trữ lượng 18 triệu m³.
Theo tổng hợp của Sở Xây dựng Thanh Hóa, từ năm 2024 đến 2030, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 35,77 triệu m³ đá, 233,63 triệu m³ đất san lấp và 26,01 triệu m³ cát xây dựng. Tuy nhiên, với trữ lượng khai thác theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ dư thừa 355,77 triệu m³ đá xây dựng, thiếu 105,63 triệu m³ đất san lấp và thiếu 11,61 triệu m³ cát xây dựng. Điều này đặt ra bài toán cấp thiết về điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Thanh Hóa sẽ rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch khai thác mỏ, đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án xây dựng. UBND tỉnh sẽ xem xét cấp phép khai thác bổ sung nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo một chủ mỏ cát trên địa bàn tỉnh, hiện nay nguồn cung cát cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng đôi lúc xảy ra tình trạng khan hiếm do cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Với việc thiếu hụt lớn về đất và cát xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản là cấp thiết để đảm bảo phát triển hạ tầng tại Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn