Vật liệu và Kiến trúc

Gương trong kiến trúc đương đại

31/08/2017 - 04:48 CH

Trong kiến trúc đương đại, gương treo tường đã vượt khỏi khuôn khổ của một vật trang trí hay đơn giản là công năng của một chiếc gương soi. Chiếc gương tường dần được sử dụng như một bí kíp để mở rộng không gian về mặt thị giác.
Một tấm gương phù hợp hoàn toàn có thể nhanh chóng mở rộng không gian nhỏ bé của những khu vực bị hạn chế diện tích. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp một tấm gương lớn tại lối vào nhà hàng hoặc khách sạn; hoặc ở cuối hành lang. Sự phản chiếu hình ảnh của gương tạo ra ảo ảnh quang học tuyệt vời để những vị khách khó tính ngỡ như đang bước vào một lối đi rộng lớn nhưng thực ra hành lang đâu chỉ rộng 1m hơn và dài tầm 2-3m. Tính năng tuyệt vời ấy của gương đã được sử dụng rất nhiều trong phòng khách, phòng tắm, nhà vệ sinh của kiến trúc hiện đại.


Không gian ảo cho phòng khách với bức tường gương.

Tuy nhiên, nếu có ý định lắp gương tường trong phòng ngủ, gia chủ nên cân nhắc không để gương đối diện với giường, cửa chính, không nên lắp lên trần nhà. Phong thủy phương Đông không thích lạm dụng quá nhiều gương trong phòng ngủ.

Đặc biệt, không giống như cách bài trí thông thường của người Việt là treo ngang những chiếc gương tường, kiến trúc hiện đại chuộng kiểu gương dọc, và treo cao nhất có thể để cảm giác trần nhà cao và thoáng hơn. Gương tường treo ngang có thể phản chiếu toàn cảnh rất tốt nhưng nếu không gian xung quanh không quá đặc biệt, tấm gương sẽ chia cắt, làm cho phần còn lại của bức tường như một đường hầm tối tăm.

Khi dùng gương trong trang trí, chúng ta cần chú ý từ kiểu dáng khung gỗ của gương đến độ dày, góc đặt. Ví dụ như phong cách khung gỗ chạm khắc cổ điển khá phù hợp với nhiều không gian phòng khách sang trọng. Nhưng nếu là gương trong phòng ngủ cho quý cô thì sẽ phù hợp với khung gỗ trơn đơn thuần, trong khi gương tường trong nhà tắm thường chuộng kiểu không khung, đánh bóng các cạnh.

Như bản thân được cấu thành nên từ thứ vật chất trong suốt vừa mong manh, vừa sắc nhọn, có lẽ khó có vật liệu nào đỏng đảnh và kiêu kỳ hơn một chiếc gương trong bài trí nội thất. Thực tế, không gian được phản chiếu trong gương là cả một nghệ thuật xếp đặt tài tình. Nếu chúng ta thiết kế đối diện với gương là phong cảnh xanh tươi bên ngoài ô cửa, hay góc hoàng hôn của thành phố, phần kiến trúc độc đáo của ngôi nhà… thì phản chiếu trong gương có thể là hiện thân của một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đôi khi nếu đặt gương đối diện với căn bếp, thì không gian nhận lại đa phần là sự bừa bộn mà thôi. Vậy nên, phải khôn ngoan và bản lĩnh để chọn chỗ cho một chiếc gương ngự tường, và mở rộng thế giới theo cách lộng lẫy nhất mà chúng ta muốn.


Thiết kế trang trí gương hài hòa với kết cấu bức tường tạo nên không gian ấn tượng.


Gương sát tường và phản chiếu được toàn bộ nội thất là cách thức phổ biến để “gian lận” diện tích căn phòng.


Cửa tủ bằng gương kết hợp với không gian nội thất tối giản tạo nên một không gian ảo nên thơ như bức tranh tĩnh vật.


Phòng khách trở nên rộng rãi với với gương tường và nội thất màu trắng.


Gương dọc với khung gỗ tiệp màu sơn cùng bức tường vừa có công năng để soi gương, vừa là một cách thức trang trí nội thất mới mẻ.


Gương trong phòng ngủ cần tuân thủ khá nhiều nguyên tắc về thiết kế và phong thủy.

 
Theo TBKTSG
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.