Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa công bố kết luận sơ bộ về cuộc điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu vào nước này. Quyết định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép, trong đó có Việt Nam.

Cuộc điều tra được khởi xướng theo đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ, đại diện cho nhiều doanh nghiệp lớn như Arcelor Mittal Nippon Steel, AMNS Khopoli, Jindal Steel and Power và Steel Authority of India. Hiệp hội này cáo buộc rằng lượng thép nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng nhanh chóng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa.
Các sản phẩm thuộc diện điều tra gồm thép hợp kim và không hợp kim cán phẳng, thuộc các mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7225, 7226. Danh mục này bao gồm thép cán nóng, thép cán nguội, thép phủ kim loại chống ăn mòn (mạ kẽm, mạ lạnh, mạ hợp kim kẽm - magie) và thép phủ màu. Các sản phẩm bị loại khỏi phạm vi điều tra gồm thép điện định hướng hạt cán nguội, thép cuộn/tấm không định hướng hạt cán nguội, thép mạ điện, thép lá mạ thiếc (tinplate) và thép không gỉ (stainless steel).
Theo các doanh nghiệp Ấn Độ, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến của thép nhập khẩu là việc Mỹ áp thuế 25% theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, khiến nhiều quốc gia áp dụng biện pháp bảo hộ ngành Thép. Ngoài ra, dư thừa công suất sản xuất tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng chính sách chuyển hướng từ thép dài sang thép cán phẳng để xuất khẩu của Trung Quốc, cũng góp phần làm tăng nguồn cung trên thị trường.
Qua điều tra, DGTR kết luận rằng lượng thép nhập khẩu vào Ấn Độ đã tăng mạnh một cách đột biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, DGTR xác định rằng nếu không áp dụng ngay biện pháp tự vệ tạm thời, ngành Thép nội địa sẽ chịu thiệt hại khó có thể khắc phục.
Trên cơ sở đó, DGTR đề xuất áp dụng thuế tự vệ tạm thời 12% trong 200 ngày để giảm thiểu thiệt hại cho ngành thép trong nước. Việt Nam không thuộc nhóm các nước đang phát triển được miễn trừ do thị phần nhập khẩu vào Ấn Độ chiếm trên 3%. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam.
Để ứng phó, Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ kết luận sơ bộ, gửi ý kiến bình luận theo thời hạn quy định đến cơ quan điều tra Ấn Độ. Đồng thời, cần theo dõi sát thông tin từ DGTR và Cục Phòng vệ thương mại để đăng ký tham gia phiên điều trần (nếu có). Nếu một số sản phẩm bị loại khỏi phạm vi điều tra trong kết luận cuối cùng, doanh nghiệp nhập khẩu có thể được hoàn lại thuế tự vệ tạm thời theo quy định của Ấn Độ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thép cần chủ động nắm bắt tình hình và có chiến lược phù hợp để giảm thiểu rủi ro từ quyết định phòng vệ thương mại của Ấn Độ.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn