Từ đầu năm 2025, làn sóng bảo hộ thương mại ngành Thép trên thế giới có xu hướng gia tăng, đặc biệt sau khi Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu từ ngày 4/3/2025. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm nay.
Công ty CP Thép VICASA - VNSteel nhận định, thị trường thép thế giới năm 2025 vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị và chiến tranh thương mại. Trong nước, nhờ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai, Chính phủ đã tăng cường các giải pháp để hồi phục thị trường bất động sản, tuy nhiên, sự phục hồi này chưa đạt như kỳ vọng. Công ty CP Thép VICASA - VNSteel đặt mục tiêu tiêu thụ 105.000 tấn thép cán trong năm 2025, tăng 27,2% so với năm 2024, và 40.000 tấn phôi thép, tăng 108%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước 2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã chia sẻ kế hoạch chuyển trọng tâm về thị trường nội địa do lo ngại bảo hộ thương mại gia tăng. Sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen đã giảm mạnh trong các quý gần đây. Xuất khẩu sang Mỹ giảm từ 15.000 - 20.000 tấn/tháng xuống mức thấp hơn rõ rệt. Xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm còn khoảng 15.000 - 20.000 tấn/tháng, so với 20.000 - 30.000 tấn/tháng trước đây. Hoa Sen đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2025 theo hai kịch bản là 400 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 3% so với năm 2024.

Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng, với mục tiêu doanh thu 6.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng trong năm 2025, giảm lần lượt 9% và 30% so với năm 2024. Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khoản lãi hàng chục tỷ đồng trong quá khứ.
Sau khi Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu, nhiều quốc gia đã liên tiếp thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu. Ngày 19/3/2025, Ủy ban Châu Âu (EC) công bố Kế hoạch hành động về thép và kim loại nhằm duy trì và mở rộng năng lực công nghiệp châu Âu trong lĩnh vực này. Kế hoạch bao gồm việc mở rộng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với các sản phẩm thép và nhôm hạ nguồn, đồng thời thắt chặt biện pháp tự vệ thép hiện tại của EU. Khi biện pháp hiện tại hết hạn vào ngày 30/6/2026, EU có kế hoạch áp dụng biện pháp dài hạn mới từ ngày 1/7/2026.
Trước đó, EC đã ban hành Thông báo đề xuất áp thuế chống bán phá giá tạm thời 12,1% với một số sản phẩm thép cán nóng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU, ngoại trừ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Bên cạnh đó, ngày 10/2/2025, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin về việc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn kẽm từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2024, Australia cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thanh cốt thép cán nóng nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Ấn Độ đã ban hành Kết luận sơ bộ về vụ điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu. Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ khuyến nghị áp dụng thuế tự vệ tạm thời 12% trong 200 ngày cho đến khi có kết luận cuối cùng đối với sản phẩm bị điều tra, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Những diễn biến trên cho thấy ngành Thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng. Các doanh nghiệp thép trong nước buộc phải có chiến lược thích ứng linh hoạt, tập trung hơn vào thị trường nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh để duy trì sự phát triển bền vững.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn