Doanh nghiệp

Cuộc đua nhóm dẫn đầu ngành xây dựng ngày càng khốc liệt

27/12/2022 - 12:34 CH

Nhóm dẫn đầu ngành xây dựng nhiều năm qua vẫn chứng kiến màn so kè gay cấn giữa Hòa Bình Construction và Coteccons. Tuy nhiên, thời thế liên tục thay đổi, sự trỗi dậy của các tên tuổi “sừng sỏ” như Newtecons, Ricons… đang khiến đường đua thêm nóng bỏng.
Năm 2022, nếu vị trí dẫn đầu của Hòa Bình vẫn đang được đảm bảo khá vững chắc thì ngôi “á quân” của Coteccons lại đang bị lung lay dữ dội. Mới nhất, Newtecons vừa tổng kết tình hình kinh doanh năm 2022, ghi nhận công ty đã cán mốc kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Cuộc đua không hồi kết

Con số 10.000 tỷ đồng của Newtecons đang ngang bằng với mức doanh thu của Ricons. Trong khi đó, sau 3 quý đầu năm, Hòa Bình đạt 10.904,5 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch 17.500 tỷ đồng cả năm) và Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch 15.000 tỷ đồng).

Sự so kè giữa Newtecons và Coteccons vốn đã âm ỉ trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên gây chú nhất phải kể đến các sự kiện diễn ra hồi tháng 5/2022. Cụ thể, Newtecons đã được chọn để “thế chân” Coteccons làm nhà thầu tại loạt dự án của Masterise từ khu Ba Son đến Spirit of Saigon.

Dự án Spirit of Saigon đặt tại khu đất vàng ngay trung tâm quận 1 (TP.HCM) được đổi tên thành One Central HCM, trực thuộc Masterise Group. Song song, Masterise Group cũng là cái tên được dự đoán "thế chân" Alpha King tại siêu dự án The Centennial Saigon ngay khu Ba Son.

Bên cạnh được chọn làm nhà thầu của hai dự án “đổi chủ” của Masterise Group, Newtecons dưới trướng ông Nguyễn Bá Dương còn nắm hàng loạt dự án lớn khác như The Spirit Saigon (trung tâm quận 1), Lumiere Riverside (quận 2), các dự án của chủ đầu tư Nam Long, T&T, VinHomes, Novaland…


Dư địa bị co hẹp, cạnh tranh trên thị trường thầu xây dựng đang ngày càng khốc liệt.

Cần nhắc lại, ông Nguyễn Bá Dương, một tên tuổi lừng lẫy trong ngành, từng là chủ tịch của Coteccons. Sau cuộc “chia tay” làm dậy sóng dư luận, ông Dương gây dựng lại cơ đồ với Newtecons.

Trong buổi lễ tổng kết diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Bá Dương nhận định: “Với đội ngũ sẵn có, kinh nghiệm làm việc với các đối tác trong ngoài nước và sự am hiểu kỹ thuật, Newtecons thừa khả năng để thực hiện các dự án lớn nhất hiện nay”.

Bên cạnh Newtecons, SOL E&C của ông Nguyễn Bá Dương cũng đang tăng trưởng rất mạnh, khi liên tục trúng thầu hàng loạt dự án như Sun Grand Marina Hạ Long (Sun Group), Sanctuary Hồ Tràm - Hải Vương Tourism, Thành phố Cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên…

Mới nhất, SOL E&C còn bắt tay "vua giày" Nguyễn Đức Thuấn trong dự án nghìn tỷ ở Hội An. Những động thái trên cho thấy ông Dương đang rất quyết tâm lấy lại vị thế vốn có của mình.

Đối diện nhiều thách thức

Trở lại với Newtecons, sự tăng trưởng thần tốc đang giúp công ty chen chân vào top 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành thầu xây dựng, ngang bằng với doanh thu của Ricons. Trước đó, Ricons cũng lần đầu cán ngưỡng doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Ricons cho biết đã thực hiện 45 dự án từ Bắc vào Nam, đồng thời hoàn thành và bàn giao loạt dự án đình đám. Ông Trần Quang Quân,Tổng Giám đốc Ricons, chia sẻ: “Năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức, tuy nhiên với sự đoàn kết, đồng tâm, tôi tin tưởng rằng mọi khó khăn sẽ chỉ là tạm thời”.

Dễ nhận thấy, cuộc đua top đầu ngành xây dựng từ “song mã” giữa Hòa Bình và Coteccons hiện đã trở thành “tứ mã” với sự hiện diện của Newtecons và Ricons. Điều này cho thấy thị trường ngành xây dựng đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh phải đối diện nhiều khó khăn.

Ông Lê Viết Hải, khi còn là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (từ nhiệm vào ngày 14/12/2022), từng nhận định dư địa của ngành xây dựng đang dần co hẹp, trong khi năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Đây là lý do cuộc đua trong lĩnh vực này trở nên gay gắt hơn.

Nhận định của ông Lê Viết Hải rõ ràng là có lý do bởi thời gian qua với Hòa Bình, doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành, đang gặp phải không ít trở ngại trong việc hoàn thành tham vọng của mình. Một trong số đó là khẳng định vị thế tại nước ngoài hiện còn dang dở.

Đặc biệt, phân tích Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 cho thấy nội lực tài chính của Hòa Bình đang gặp khó khăn khi vốn chủ sở hữu giảm nhưng nợ phải trả tăng mạnh và dòng tiền âm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm của Hòa Bình đạt 10.905 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 16% xuống mức 61 tỷ đồng. Lãi ròng công ty mẹ đạt 63 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2021. Kết thúc quý 3, dòng tiền thuần của công ty âm gần 150 tỷ đồng.

Đối thủ lớn nhất của Hòa Bình là Coteccons cũng gặp tình cảnh tương tự khi gánh nặng chi phí tác động lớn đến lợi nhuận. Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25,5% lên trên 8.300 tỷ đồng và có lãi tăng 16% lên 315 tỷ đồng. Tính riêng quý III, doanh thu tăng 191% và lãi gộp tăng 96% so với cùng kỳ.

Nhìn vào con số doanh thu và lãi gộp của ông lớn này có thể dễ dàng nhận thấy “độ vênh” không nhỏ. Và theo lý giải của đại diện công ty, mức tăng không tương ứng này chủ yếu đến từ các khoản chi phí đầu vào như nhân công, vật liệu, chi phí huy động… liên tục đội lên cao.

Có thể thấy, sức ép cạnh tranh cộng với những khó khăn về vốn, chi phí đầu vào, nhân lực… đang tạo ra khối áp lực khổng lồ, đòi hỏi các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ trong ngành xây dựng phải có chiến lược vượt thách thức tốt để vừa duy trì đà tăng trưởng vừa giữ vị thế của mình trong thời gian tới.

VLXD.org (TH/ vnbusiness)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.