VLXD kết cấu

Quy trình thi công móng đơn và những điều cần lưu ý

20/07/2021 - 04:50 CH

Việc lựa chọn loại móng, trong thiết kế thi công xây dựng, phụ thuộc vào điều kiện địa chất, và quy mô của từng công trình. Đối với quy mô nhà phố vừa và nhỏ thì móng đơn là loại móng được sử dụng nhiều bởi sự phù hợp của nó. Bài viết này sẽ trình bày quy trình các bước thi công và hoàn thiện móng đơn. Qua đó sẽ giúp các bạn có cái nhìn chi tiết và nắm vững các quy trình thi công móng đơn.
1. Quy trình thi công móng đơn

Để đảm bảo về mặt thẩm mỹ cũng như kết cấu của móng đạt chuẩn, quy trình thi công móng đơn/móng cốc cần phải trải qua các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng và trang thiết bị thi công

Sau khi các công đoạn khảo sát, trắc địa hoàn tất, phương án lựa chọn thi công móng đơn được đưa ra thì gần như ngay lập tức chủ đầu tư phải bước vào công tác chuẩn bị. Giai đoạn này cần phải chuẩn bị tốt mặt bằng gọn gàng, nhân công và tính toán đủ vật tư, vật liệu xây dựng.

Khi quá trình chuẩn bị được đầy đủ thì những bước tiếp theo sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đồng thời, bước đầu tiên đạt hiệu quả thì cũng giúp công trình theo kịp tiến độ đề ra.

Bước 2: Đào hố móng đơn

Xác định vị trí chính xác của các hố móng và tiến hành dùng các trang thiết bị và đào hố. Kích thước hố móng đơn phải đảm bảo đủ độ rộng, dài và chiều sâu theo bản vẽ đã tính toán.

Công đoạn đào hố này cũng khá quan trọng. Bởi nếu đào hố có kích thước không chuẩn sẽ gây khó khăn cho quá trình thi công về sau. Đồng thời nó cúng có thể làm sai lệch kết cấu gây mất an toàn cho công trình.

Bước 3: Làm phẳng mặt hố móng cốc


Sử dụng các trang thiết bị chuyên dụng để san phẳng mặt hố móng vừa đào. Để tạo được độ bằng phẳng tốt hơn thì người ta có thể rải thêm 1 lớp đá dăm mỏng lên bề mặt.

Bước 4: Đổ bê tông lót

Lớp bê tông lót được đổ lên trên lớp đá mỏng trải trên bề mặt với độ dày khoảng 100mm. Nhiệm vụ của phần này là hạn chế mất nước cho lớp vữa, bê tông ở trên. Đồng thời đây cũng là cách cố định và làm phẳng cho đáy móng.

Bước 5: Bố trí thép móng đơn

Ở bước này thì tùy thuộc vào hình dáng của móng đơn mà cách bố trí các thanh thép chịu lực cũng khác nhau. Thép thường được sử dụng sẽ có kích cỡ Φ12 - Φ16, khoảng cách giữa các thanh thép có thể dao động từ 10 - 15 cm.

Cốt thép móng đơn cần đặt cách mặt bê tông lót khoảng 5cm. Điều này tránh được tình trạng thép bị ăn mòn, hoen gỉ cũng như tăng sự liên kết giữa móng và lớp lót móng.

Bước 6: Đổ bê tông móng

Đây là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện quy trình thi công móng đơn đạt chuẩn. Bước này cũng rất quan trọng để đảm bảo kết cấu công trình đạt độ an toàn. Tiến hành trộn bê tông với tỉ lệ tiêu chuẩn.


Quá trình đổ bê tông đảm bảo nguyên tắc đô từ xa lại gần. Nếu hố móng có tình trạng ngập hoặc ứ đọng nước thì cần hút hết nước ra để không ảnh hưởng đến chất lượng của bê tông.

2. Lưu ý khi thiết kế móng đơn

Dù là thi công móng với kiểu dáng, hay hình thức như thế nào thì cũng cần phải có những điều cần lưu tâm. Với nhà sử dụng móng đơn thì không nên bỏ qua một số điều đáng chú ý sau.

2.1. Thiết kế móng đơn lệch tâm

Móng đơn lệch tâm được hiểu là kết cấu móng có tâm của cột không trùng với trọng tâm của đài móng. Cách xây móng này thường áp dụng khi thi công móng nhà phố, nhà liền kề hoặc công trình có mặt bằng móng không thuận lợi. Các kỹ sư xây dựng có thể tạo ra sự cân bằng trong kết cấu bằng những cách sau:


- Có thể sử dụng kiểu móng chân vịt để làm giảm độ lệch tâm.

- Phần phản lực của đất nền làm dạng tam giác hoặc hình thang. Trung tâm hệ phản lực sẽ dịch chuyển so với có tâm đài. Thăng bằng đài móng sẽ được xác lập.

- Cách này sẽ không được sử dụng hoặc ít có hiệu quả trong trường hợp mô men lệch tâm lớn.

2.2. Công thức tính tải trọng móng đơn

- Công thức tính tải trọng móng đơn chuẩn xác nhất:

Trường hợp tải trọng được đặt đúng tâm: P ≤ R

Trường hợp tải trọng lệch tâm: P ≤ 1.2 R

R = m(A.γ.b + B.q + D.c)

- Trong đó: 

P: là tải trọng lên kết cấu móng

R: cường độ tiêu chuẩn của đất nền

b: là chiều rộng của bề mặt đáy móng.

q: là tải trọng một bên của móng. 

c: là lực dính tính theo đơn vị của những lớp nền đất. 

A, B, D : là những thông số được xác định phụ thuộc vào các góc ma sát trong của đất. 

m: là hệ số ở mức điều kiện có thể làm việc của nền móng. 

2.3. Tiêu chuẩn thép sử dụng làm móng đơn


Trong kết cấu bê tông cốt thép thì ngoài việc tính toán mác bê tông thì phần cốt thép là yếu tố quan trọng nhất. Phần thép sử dụng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Cụ thể là:

- Thép làm móng phải là loại thép có chất lượng tốt nhất, đúng quy cách và kích thước

- Cốt thép có thể thực hiện uốn, cắt trực tiếp tại công trường hoặc trong nhà máy. Tuy nhiên phải đảm bảo đúng kích thước theo bản vẽ móng đơn đã thiết kế.

- Thép đưa vào sử dụng phải đảm bảo sạch sẽ, bể mặt không bám bẩn, bùn đất hoặc dầu mỡ. Đặc biệt thép không được hoen gỉ, nếu có cần phải làm sạch và xử lý kĩ trước khi đổ bê tông.

- Độ méo, bẹp hoặc giảm tiết diện của thanh thép không được vượt quá 2%

- Phần kết nối giữa các thanh thép cần đảm bảo

+ Hàn nối > 10d

+ Buộc nối >30d

- Các phần thép chưa đổ bê tông phủ kín cần được bọc kín bằng ni lông để đảm bảo kết cấu đạt chất lượng cao nhất.
 
VLXD.org (TH/ nhadep)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.