Cát, Đá, Sỏi

Ngân hàng cát: Giải pháp bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long

30/12/2022 - 11:44 CH

Khi nhiều dự án giao thông, công trình xây dựng lớn được triển khai, nhu cầu cát cũng tăng lên. Nếu chỉ đơn thuần tập trung vào khai thác cát sông, ĐBSCL sẽ phải trả giá đắt khi tần suất, quy mô sạt lở tăng cao. Xây dựng “ngân hàng cát”, khuyến khích nghiên cứu vật liệu thay thế, điều chỉnh thiết kế công trình, dự án theo hướng giảm sử dụng cát sông cho san lấp… là những giải pháp giúp quản lý cát bền vững hơn, trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu xây dựng.
>> Ứng dụng của cát xây tô trong đời sống
>> Cát nhiễm mặn: Mối nguy hại với công trình xây dựng
>> Phân biệt cát bê tông và cát xây

Từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2024, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan triển khai dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL. Dự án nhằm duy trì chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.


Cần khai thác cát sông theo hướng bền vững

Năm 2022, đoàn khảo sát cùng các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức 3 đợt khảo sát (mùa khô và mùa mưa lũ), đo đạc lượng bùn và cát từ sông Mekong đổ về ĐBSCL ở 12 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Điểm đầu ở trạm thủy văn Tân Châu - Châu Đốc, điểm cuối trước ngã 3 sông Hậu đổ ra biển.

Theo kết quả đợt khảo sát vào mùa khô, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu (được xem là “mỏ cát” lớn nhất ĐBSCL) hiện chỉ còn khoảng 30m3/1m rộng ngang sông/năm, bằng 15-20% lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm.

Nguyên nhân lượng cát sông sụt giảm cũng dễ hiểu, bởi cường độ khai thác nhiều hơn lượng cát bù đắp tự nhiên. Ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu về hệ sinh thái ĐBSCL) cho biết, cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua mấy ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi. Khi đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong được xây dựng, đồng nghĩa với cát bị giữ lại. Nếu vẫn duy trì khai thác cát không bền vững như hiện nay, trong tương lai, nguồn cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt.

Lượng cát sụt giảm là một trong những nguyên nhân khiến sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vùng đất với hơn 18 triệu dân, đóng góp đến 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước đang bị mất đi khoảng 500ha đất/năm do sạt lở. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở, tổng chiều dài khoảng 610km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm, chiều dài 127km; sạt lở nguy hiểm 137 điểm, chiều dài 193km.

Theo Viện Thủy lợi miền Nam, việc khai thác cát quá mức làm gia tăng độ sâu lòng sông. Nếu như giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m thì giai đoạn 2009-2016, độ sâu tăng thêm đến 5-10m. Khi lòng sông bị khoét sâu quá mức, chẳng những làm sạt lở đất bờ sông tăng lên, mà còn khiến 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

ĐBSCL đang chuẩn bị khởi công một loạt công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh... Để đáp ứng nhu cầu khoảng 40 triệu m3 cát, địa phương có trữ lượng cát sông, đá xây dựng lớn như An Giang được yêu cầu tăng sản lượng và cường suất khai thác. Theo các chuyên gia, nếu quá phụ thuộc vào cát sông cho công trình xây dựng, ĐBSCL sẽ phải trả giá đắt về sạt lở.

Ông Hoàng Việt (Giám đốc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL, thuộc WWF-Việt Nam) cho rằng, dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay không bền vững, nhưng cũng không thể ngưng khai thác cát do nhu cầu lớn. Vì vậy, việc xây dựng “ngân hàng cát” là rất cần thiết.

“Ngân hàng cát” sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác và lượng cát đổ ra biển. Kết quả tính toán “ngân hàng cát” sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác, mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh xây dựng “ngân hàng cát”, Chính phủ cần khuyến khích nghiên cứu và có chính sách ưu đãi sử dụng vật liệu thay thế cát sông. Đồng thời, cần coi cát sông là nguồn tài nguyên chiến lược để giữ gìn, bảo vệ, chứ không đơn thuần là “vật liệu xây dựng thông thường” như cách dùng phổ biến hiện nay. Ông Võ Tấn Dũng (chuyên gia nghiên cứu xây dựng) cho biết, lượng cát dùng cho san lấp công trình hiện cao gấp 10 lần cát xây dựng.

“Nên cải tạo những loại vật liệu không xài được thành vật liệu san lấp. Với nhiều công trình xây dựng, không nhất thiết phải san lấp toàn bộ, mà có thể đổ bê-tông trên mặt, chừa hầm rỗng phía dưới để trữ nước mưa, triều cường vào mua mưa và tự thoát nước vào mùa khô. Giải pháp kỹ thuật này vừa đỡ tốn lượng cát lớn cho san lấp, vừa chống ngập hiệu quả” - ông Dũng nhấn mạnh.

VLXD.org (TH/ Baoangiang)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.