
Dưới tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức, nhân lực có năng lực sáng tạo và thích ứng công nghệ cao. Xu hướng "xanh hóa" sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển dịch từ nền kinh tế "nâu" sang nền kinh tế "xanh", ít carbon, sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Theo ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và VLXD (Bộ Xây dựng), trong năm 2025 và các năm tới, nước ta sẽ tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm như hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đạt 3.000 km vào năm 2025, 5.000 km vào năm 2030 và 9.000 km vào năm 2050, các công trình quan trọng như đường Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3, 4 TP. HCM, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, nhiều dự án về năng lượng, thủy lợi, khu công nghiệp, khu kinh tế, công trình hạ tầng xã hội đô thị và khu vực nông thôn như trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ được triển khai. Đồng thời, chương trình xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và các dự án xây dựng nhà ở khác sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước.
Với các giải pháp đồng bộ được triển khai theo Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngành Vật liệu xây dựng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh. Thị trường vật liệu xây dựng cũng sẽ được đẩy mạnh trong và ngoài nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái. Theo ông Lê Văn Kế, định hướng phát triển vật liệu xây dựng năm 2025 và các năm tới cần tập trung vào việc phát triển ngành Vật liệu xây dựng bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, hạn chế tác động đến môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng cũng là ưu tiên hàng đầu. Các thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia đầu tư phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồng thời mạng lưới sản xuất vật liệu xây dựng cần được phân bổ hợp lý trên toàn quốc để phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của từng vùng miền. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ hướng tới trình độ tiên tiến, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao. Các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và gây ô nhiễm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Đồng thời, ngành sẽ tập trung phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng mới có tính năng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ sử dụng tài nguyên khoáng sản không tái tạo, tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt cũng là hướng đi quan trọng để giúp ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững trong tương lai.
VLXD.org (TH)