Thiếu vật liệu xây dựng đang trở thành rào cản lớn đối với tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc khan hiếm cát san lấp, đất đắp và đá xây dựng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án rơi vào trạng thái trì hoãn.
Theo TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để khắc phục bài toán vật liệu, Việt Nam có thể nghiên cứu phương án xây dựng cao tốc trên cầu cạn bê tông cốt thép thay vì san lấp truyền thống.
Xây dựng cao tốc trên cầu cạn bê tông cốt thép là một giải pháp thay thế hiệu quả, giúp giảm nhu cầu về cát san lấp và đất đắp, từ đó hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, giải pháp này khai thác tối đa nguồn vật liệu sẵn có như xi măng, thép, đá, cát, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước.

Theo TS. Thái Duy Sâm, dù chi phí ban đầu cao hơn so với hình thức san lấp truyền thống, nhưng về lâu dài, các tuyến cao tốc trên cầu cạn sẽ giảm thiểu chi phí bảo trì, khắc phục tình trạng sụt lún, đảm bảo độ bền và an toàn khai thác. Cầu cạn được đỡ trên hệ thống móng, trụ cầu chôn sâu vào lòng đất, hạn chế đầm lún khi thi công và vận hành.
Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, vấn đề thủ tục và khung pháp lý trong khai thác vật liệu cũng đang được chính phủ quyết liệt tháo gỡ. Tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình giao thông quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát, sửa đổi quy định để đảm bảo nguồn cung vật liệu minh bạch, tránh tình trạng đầu cơ, đội giá.
Đồng thời, các địa phương có mỏ vật liệu phải thực hiện cam kết, không giữ tài nguyên cho riêng mình, đảm bảo phân bổ hợp lý nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc.
Với các giải pháp đồng bộ từ kỹ thuật đến chính sách, việc xây dựng cao tốc trên cầu cạn bê tông cốt thép không chỉ giúp giải quyết bài toán vật liệu mà còn góp phần đảm bảo mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025.
VLXD.org (TH/ Lao động)
Ý kiến của bạn