Phát triển vật liệu không nung

Phát triển vật liệu không nung ở các địa phương: Nơi khởi sắc - chốn khó khăn

10/06/2017 - 02:19 CH

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng. 
Nhiều nơi khởi sắc

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có 26 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, trong đó, có hàng chục doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô sản xuất hàng chục triệu viên/năm. Công ty TNHH Đại Phong đóng trên địa bàn xã Nga An (Nga Sơn) là một doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực sản xuất gạch không nung từ tháng 12/2015. Hiện nay, công ty đã nâng công suất lên 30 triệu viên/năm.

Tổng Công ty Hà Thanh, hiện đang có hai nhà máy sản xuất gạch không nung tại huyện Vĩnh Lộc và TP.Thanh Hóa với tổng công suất thiết kế là 200 triệu viên/năm. 3 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã cung ứng ra thị trường được hơn 50 triệu viên gạch không nung. Do đầu tư dây chuyền liên doanh Việt – Nhật đồng bộ và hiện đại, sản phẩm của công ty luôn được khách hàng đánh giá cao.

Theo thống kê của Phòng Quản lý vật liệu – Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, năm 2015, tổng công suất thiết kế của các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung mới đạt 291 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Năm 2016, các doanh nghiệp đã nâng công suất lên gần 600 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch không nung có nhiều tín hiệu khởi sắc. Điển hình như sản lượng tiêu thụ năm 2016 tăng 71,9% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch không nung tăng mạnh ở Thanh Hóa là tín hiệu đáng mừng. Dự báo trong tương lai gần, gạch không nung sẽ thay thế hầu hết gạch nung truyền thống, do đó nhu cầu của thị trường sẽ tăng cao. Đó là cơ sở để các đơn vị sản xuất không ngừng nghiên cứu, đầu tư công nghệ sản xuất để ngày càng đáp ứng tốt thị hiếu của khách hàng.

Đến hết tháng 11/2016 số cơ sở sản xuất tại tỉnh Lạng Sơn đã tăng lên 211 cơ sở với năng lực sản xuất 170 triệu viên quy tiêu chuẩn (chủ yếu là gạch bê tông xi măng cốt liệu bột đá). Trong đó, có 7 doanh nghiệp (tổng năng lực sản xuất 100 triệu viên/năm) đã thực hiện công bố hợp quy sản phẩm phù hợp với các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn Việt Nam 16:2014/BXD. Năng lực sản xuất tăng mạnh, sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật chất lượng đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng, tác động tích cực tới thị trường tiêu thụ từ nông thôn đến thành thị.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Lạng Sơn, tính đến tháng 11/2016, toàn tỉnh đã có 146 công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định, với số lượng gần 12 triệu viên gạch xây không nung. Đối với các công trình nhà dân, qua thực tế theo dõi của ngành chức năng tại các huyện cho thấy, số dự án người dân sử dụng gạch xây không nung tại khu vực nông thôn chiếm trên 60%. Đây có thể nói là những tín hiệu rất đáng mừng.


Chốn khó khăn

Tuy nhiên, trên thực tế tại TP.Đà Nẵng, vật liệu thân thiện với môi trường trong đó có gạch không nung vẫn đang gặp khó khăn trên thị trường, khi nhiều khách hàng không mấy quan tâm. Trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện có 12 nhà máy sản xuất gạch không nung các loại. Nhiều doanh nghiệp ra đời từ khá sớm, được trang bị công nghệ hiện đại. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hồng Hoàng Hồng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được đầu tư đồng bộ để sản xuất gạch không nung cao cấp cho thị trường Đà Nẵng và địa phương lân cận.

Trước đó, để hỗ trợ phát triển vật liệu không nung, trong đó có gạch không nung từ năm 2014, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 03 về tăng cường sử dụng vật liệu không nung. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung. Mặc dù vậy, hiện nay trên thị trường Đà Nẵng, gạch không nung vẫn đang rất vất vả cạnh tranh với gạch nung truyền thống. Tình hình này càng không khả quan ở thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Theo lộ trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ sau năm 2015, tất cả công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 50% vật liệu xây không nung.

Trong khi đó, tại Điện Biên, việc sử dụng gạch không nung chưa đúng lộ trình. Qua khảo sát tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh hầu hết vẫn sử dụng vật liệu nung truyền thống (gạch đỏ, gạch tuynel), số lượng công trình sử dụng gạch không nung rất ít. Theo báo cáo của Sở Xây dựng thì đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 4 công trình, dự án đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước sử dụng gạch không nung, gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Ảng; nhà tiếp công dân UBND tỉnh; nhà sinh hoạt cộng đồng và sân vận động thị xã Mường Lay với tổng số hơn 800 nghìn viên gạch quy tiêu chuẩn.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cơ sở sản xuất gạch xây không nung chính thức hoạt động được hơn 3 năm, song sản lượng tiêu thụ đạt rất thấp, bình quân chưa bằng 1/3 công suất thiết kế. Các nhà máy sản xuất gạch nung tuynen đều sản xuất vượt công suất thiết kế khá cao, sức tiêu thụ của thị trường đối với gạch nung đang còn mạnh và tiềm năng. Nguyên nhân được chỉ ra bởi gạch nung tuynel là loại gạch truyền thống, việc sử dụng loại gạch này trong xây dựng đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, trong khi gạch không nung chỉ mới ra đời. Một yếu tố nữa không thể không nhắc đến, đó là các cơ quan chức năng chưa giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung theo thông tư 09 của Bộ Xây dựng.

Nhìn vào bức tranh muôn mặt chung, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp để gạch không nung không còn gặp khó trên thị trường, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan. Trong đó, tập trung khuyến khích người tiêu dùng, nhất là thông qua tuyên truyền trực quan bằng các công trình đã sử dụng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường trong đó có gạch không nung xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.

Theo Tạp chí VLXD
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.