Doanh nghiệp

Thép Pomina có lãi trở lại

04/02/2021 - 02:15 CH

Công ty Thép Pomina vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu 2.561 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp của công ty đạt 232 tỷ đồng, tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, Pomina cũng tiết giảm lượng lớn chi phí, bao gồm cả chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Qua đó, công ty báo lãi trước thuế quý 4 đạt 165 tỷ đồng cải thiện mạnh so với mức lỗ 51 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế cả năm, Pomina ghi nhận 9.885 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng, bứt phá ngoạn mục so với mức lỗ 302 tỷ đồng năm ngoái.


Cuối tháng 11, Pomina đưa vào vận hành thêm 1 lò luyện thép 1 triệu tấn. Đây là hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao (BF) với lò điện Consteel hàng đầu từ châu Âu nhằm tạo ra sản phẩm thép được luyện từ quặng, sạch tạp chất, chất lượng cao và ổn định. Dự án dự kiến tiếp tục đóng góp mạnh mẽ trong năm 2021.

Công ty giảm tối đa vay nợ khi nợ phải trả tính đến cuối năm 2020 đạt 7.870 tỷ đồng, giảm gần 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm hơn 400 tỷ đồng, tương ứng 9,2%, xuống còn 5.323 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2020 đạt 11.380 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 11.800 tỷ đồng năm 2019. Tài sản giảm chủ yếu do Pomina đã giảm mạnh gần 30% giá trị hàng tồn kho, xuống còn 2.258 tỷ đồng.

Năm 2020 là một năm thắng lớn của ngành thép khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều công bố lợi nhuận khả quan. Những tín hiệu tích cực về vĩ mô, cạnh tranh từ thép Trung Quốc giảm xuống, đà phục hồi của ngành xây dựng trong nước cũng như việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đã khiến nhu cấu thép tăng mạnh.

Sang năm 2021, giới phân tích kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng đến 5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, với những tín hiệu mới từ kinh tế vĩ mô, dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc cùng các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Trong đó, đầu tiên phải kể đến hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Đây cũng là động lực chính cho ngành trong năm nay, với lộ trình chi khoản 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Việt Nam với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, đơn vị duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực, đi cùng lợi thế về vị trí địa lý, chi phí lao động rẻ… đang thu hút mạnh dòng vốn FDI. Điểm sáng khác liên quan đến hiệp định CPTPP, EVFTA… việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu.

VLXD.org (TH/)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.