CÔNG NGHỆ & THIẾT BỊ

Công nghệ chống tiêu cực trong ngành xây dựng

02/07/2018 - 01:04 CH

Theo nhiều chuyên gia, chương trình truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu xây dựng nếu được làm tốt sẽ hạn chế được tiêu cực trong ngành xây dựng và đảm bảo an toàn đối với các công trình.

Chương trình truy xuất nguyên vât liệu sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp, khách hàng lẫn Nhà nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với hạ tầng công nghệ mạnh mẽ đang tác động trực tiếp lên hầu hết lĩnh vực. Ngành xây dựng đang đứng trước cơ hội “thay da đổi thịt” nếu biết tận dụng những lợi thế công nghệ mà cuộc cách mạng này mang lại.

Nếu ngành xây dựng làm tốt chương trình truy xuất nguyên vật liệu, sẽ không còn cảnh công trình bị sập do ăn bớt nguyên vật liệu xây dựng, tráo đổi chất lượng, dùng vật liệu thay thế không có trong kế hoạch… Hoặc nếu công trình xảy ra sự cố, sẽ truy được trách nhiệm đó thuộc về ai: nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thi công hay chủ đầu tư công trình.

“Việc áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghệ 4.0 vào việc truy xuất nguyên vật liệu xây dựng sẽ tăng tính minh bạch và trung thực cho ngành xây dựng”, TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM nói trong buổi hội thảo Vật liệu xây dựng xanh – Giải pháp và sản phẩm.

Chương trình truy xuất nguyên vật liệu xây dựng sẽ ở cả 3 khâu: quá trình sản xuất vật liệu xây dựng, chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng để kiểm soát giá – chất lượng – mẫu mã – hồ sơ thầu và quá trình sử dụng vật liệu xây dựng trong công trình nhằm kiểm soát vòng đời của toà nhà.

Ngoài ngành xây dựng, giải pháp này còn rất có ích cho các ngành liên quan như bất động sản, quản lý đô thị…

Thứ nhất, bảo đảm chất lượng nguyên vật liệu. Mọi người sẽ biết được gạch làm tường được sản xuất bởi ai, như thế nào, là gạch nung hay không nung. Cửa gỗ đến từ đâu, được làm từ gỗ gì, dùng chất phụ gia gì để đánh bóng cửa…

Thứ hai, giúp người mua nhà biết được căn nhà của tôi trị giá bao nhiêu và hạn sử dụng các bộ phận cấu thành ngôi nhà. Ví dụ như giá và thời gian sử dụng của các vật liệu cấu thành nhà tắm như cửa kính, bồn tắm, gạch sàn nhà, vòi nước…

Thứ ba, kiểm soát rủi ro. Khi sự cố xảy ra, chúng ta sẽ truy xuất lại tất cả nguồn gốc của vật liệu xây dựng – chuỗi cung ứng – quá trình sử dụng vật liệu tạo ra công trình, để biết nguyên do tại sao xảy ra sự cố đó.

Thứ tư, chương trình này còn hỗ trợ rất lớn cho TP. HCM trong việc xây dựng thành phố thông minh, với vật liệu thông minh và kết cấu thông minh. Mỗi một tòa nhà trong thành phố đều có thể tự “kể” tiểu sử của bản thân, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý đô thị thông minh.

Cuối cùng, nó còn giúp kiểm soát chuỗi cung ứng cho công trình. Với việc tất cả nguồn gốc vật liệu xây dựng đều được bày biện công khai, các vấn nạn như đánh tráo vật liệu hoặc ăn bớt số lượng sẽ giảm đáng kể.

Các công nghệ được đề xuất để xây dựng chương trình truy xuất vật liệu xây dựng: điện toán đám mây – cloud computing, internet vạn vật – IoT, phân tích dữ liệu lớn – big data, blockchain. Các cơ quan chức năng cần xây dựng một hệ thống quản lý tích hợp các công nghệ trên để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình, đặc biệt chú trọng công nghệ blockchain.

“Lợi ích của chương trình này là không thể đong đếm được, ngoài giúp minh bạch thông tin và tăng lòng tin cậy cho khách hàng, nó còn giúp tăng giá trị của vật liệu xây dựng, làm cho vật liệu thông minh hơn đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phục vụ mục đích makerting cho ngành bất động sản”, ông Trung chia sẻ.

Dù chương trình truy xuất vật liệu xây dựng mang lại nhiều lợi ích như thế, song để biến nó trở thành hiện thực và cho tất cả mọi người đều có thể sử dụng, còn cả một quãng đường dài phía trước.

Hiện tại, đã có thông tin truy xuất nhưng nằm rải rác ở các nhà cung ứng, các thông tin phần lớn nằm trong sổ sách giấy giờ và không dễ để yêu cầu các nhà sản xuất hay cung ứng cung cấp số liệu, các phần mềm quản lý khác nhau - không tương thích với nhau, tài sản số này sẽ thuộc về ai và ai sẽ là người chi trả chi phí vận hành…

Cũng theo ông Trung, chương trình truy xuất này không bảo đảm tất cả các công trình đều trường tồn theo thời gian, mà nó chỉ giúp chủ kiểm soát và hiểu được cách một công được hình thành, tồn tại và tàn lụi như thế nào; giải thích được vấn đề khi sự cố xảy ra và mọi người rút kinh nghiệm.

Coteccons đang là nhà thầu duy nhất có áp dụng việc truy xuất vật liệu xây dựng vào thực tiễn thi công các công trình tuy nhiên chỉ mới ở hình thức sơ khai, để có thể phần nào đó tính toán sơ bộ tổng khối lượng cũng như giá thành.

VLXD.org (TH/ Theleader)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.