CÔNG NGHỆ & THIẾT BỊ

BIM được ứng dụng tại Việt Nam như thế nào?

13/10/2017 - 03:38 CH

Building Information Modeling (BIM) là mô hình thông tin công trình, tuy còn mới mẻ nhưng cũng đã ứng dụng ở một số dự án xây dựng tại Việt Nam những năm gần đây.
Những phần mềm ứng dụng trong BIM

Ông Nguyễn Khưu Trọng Luật - Trưởng ban BIM thuộc Cty CP Xây dựng Conteccons cho biết, tại dự án “The Landmark 81” (dự án có quy mô lớn và nắm giữ một số kỷ lục như chiều cao cao nhất 1.500 feet, xấp xỉ 461m, có mẻ đổ bê tông lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại), BIM đã được ứng dụng.

Theo đó, tầng hầm của dự án được diễn họa bằng hình 3D mô phỏng các chi tiết để kiểm tra rủi ro giữa phần thiết kế với các phần khác. Chi tiết sơ bộ dàn giải nhiệt cho khối bê tông cao 4m1 được đưa vào sơ đồ 3D để tìm ra rủi ro. Lựa chọn vật liệu có độ bền cao, chịu được sức ép để làm cục kê của thép. Những khu vực thực sự phức tạp mới được 3D hóa giống như dầm chuyển, khúc đứng… Các phần khác như dầm nhỏ, sàn… đơn giản thì chỉ cần áp dụng các phần mềm CAD có tính năng suất khối lượng sau khi vẽ.

Ông Đinh Công Phúc - kỹ sư dự án của Cty TNHH Turner Việt Nam cũng chia sẻ khi thực hiện dự án sân bay Cam Ranh, Turner đã làm việc với các nhà thầu giỏi về 3D, Revit. Trong đó, Cty CP Cơ điện lạnh (R.E.E) có đóng góp rất lớn trong dự án sân bay Cam Ranh khi phối hợp với các nhà thầu tạo nền tảng vững thông qua Viber. Việc thành lập nhóm trên ứng dụng đã giúp cho các bên thảo luận, trao đổi với nhau dễ dàng về mô hình ống lắp ráp không ổn, bản vẽ... biến những việc phức tạp trở nên đơn giản hơn.

Ông Đinh Công Phúc nhận định: BIM là một công cụ rất tốt nhưng bản chất vẫn cần kiến thức chuyên môn của các kỹ sư. Turner thực hiện BIM với vai trò quản lý đô thị, quản lý các nhà thầu và có khả năng làm về 3D nhiều hơn là đi làm về chi tiết.

Cũng ở khía cạnh nhà thầu thi công, ông Mai Anh Đức - Trưởng nhóm BIM, Cty CP Sông Đà 5 cho biết: Từ năm 2014, Sông Đà 5 bắt đầu sử dụng mô hình 3D trong công trình thủy điện và cho đến hiện nay BIM len lỏi vào tất cả các công việc mà Cty đang tiến hành.

Cty ứng dụng BIM vào nhiều phần việc như xây dựng bộ thư viện dành cho dàn giáo, cốp pha riêng cho thi công, mang lại hiệu quả cao. Khi có công trình đấu thầu, Cty sẽ dựng tất cả dàn giáo, cốp pha, lên biện pháp thi công từ đó dễ dàng dự trù vật tư. Việc dự trù vật tư chính xác đem lại lợi ích nếu ở công trường thiếu vật tư sẽ chậm tiến độ phải yêu cầu thêm vật tư. Ngược lại, vật tư thừa cũng sẽ gây lãng phí.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, chủ đầu tư/khách hàng được đi vào chính công trình của mình, thấy công trình một cách trực quan, sinh động, dễ dàng thay đổi lại thiết kế nếu chủ đầu tư, khách hàng thấy vật liệu này không hợp lý.
 

Ở khía cạnh đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Ngọc Lân - Trưởng Văn phòng QLCL&TVGS, Cty CP Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam cho biết: Trong dự án Cầu Thủ Thiêm 2, quy trình làm việc với BIM thống nhất tên gọi chuyên mục, các dữ liệu để có thể dễ dàng theo dõi.

Ông Lân cho biết thêm, đối với phần mềm thiết kế đường, Cty sử dụng Civil 3D mô hình hóa bề mặt tự nhiên và thiết kế hệ thống đường ống. Đối với phần kết cấu phía, sử dụng phần mềm Credit, mô hình chung của công trình sử dụng phần mềm của Phần Lan.

Đi lên từ con số 0, sau đó mở một công ty riêng với 80% là các dự án của Mỹ, ông Phạm Thành - Giám đốc Cty TNHH Tư vấn và Ứng dụng Công nghệ ViBIM, có những nhận định riêng: Ở Việt Nam chưa tận dụng mô hình BIM triệt để, chưa kết hợp sức mạnh tổng thể chuỗi giải pháp. Khách hàng chưa phân định rõ đâu là một mô hình BIM chất lượng và kém chất lượng. Giải pháp cho việc áp dụng BIM ở Việt Nam đó là phương pháp phối hợp thiết kế. Ngoài ra, sử dụng thêm các phần mềm như máy quét laser 3D cho phép quét bên trong mô hình để tìm ra sự khác biệt giữa tòa nhà đang thi công và mô hình thiết kế. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, ông Thành cũng cho rằng trong khoảng vài năm nữa, BIM sẽ trở thành hệ thống quản lý và sản xuất chính.

Qua chia sẻ của đại diện các đơn vị ứng dụng BIM, có thể rút ra một số kết luận, đó là cần xác định rõ mục tiêu khi áp dụng BIM vào các dự án, tránh lựa chọn các mục tiêu lãng phí nguồn lực. Để những mục tiêu hiệu quả, khả thi nhất, cùng với truyền tải thông tin thiết kế, đánh giá tính khả thi thiết kế, cần song song kiểm tra xung đột.

Bên cạnh đó, cần sử dụng các ứng dụng, phần mềm tiện ích như icloud, googledrive để lưu trữ dữ liệu thông tin. Quan trọng nhất của một dự án khi áp dụng BIM là phải có phương thức phối hợp tổ chức các cuộc họp trực tiếp hàng tuần, qua mạng, tránh sự không thống nhất quan điểm trong các bản vẽ thi công.

Theo Báo Xây dựng
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.