Diễn đàn Vật liệu xây dựng BMF

Tham luận của Chủ tịch HH Xi măng Việt Nam tại BMF 2018: "Xi măng Việt Nam, những chặng đường"

29/04/2018 - 10:37 SA

Năm 2018, Xây dựng Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành. Đây là cột mốc lịch sử, ghi nhận những dấu ấn trưởng thành của ngành và của các thành viên, trong đó có xi măng.
Năm 2018, xi măng Việt Nam tròn 109 tuổi, tính từ ngày nhà máy Xi măng Hải Phòng - cái nôi của xi măng Việt Nam bắt đầu vận hành sản xuất. Nếu tính từ ngày khởi công xây dựng, xi măng Việt Nam tròn 118 tuổi. 

Người ta thường nói, xi măng là bánh mì của ngành xây dựng. Xây dựng nhà cửa, xây dựng cầu đường, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, xây dựng dân dụng, quốc phòng, trên cạn, dưới biển, công trình chọc trời, công trình ngầm trong lòng đất; công trình chịu sự xâm thực của hóa chất, của thời tiết,... đều phải dùng đến xi măng. Xi măng từ chỗ là sản phẩm dịch vụ chuyển sang sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế ngày càng cao. Ngày nay xi măng là một ngành kinh tế công nghiệp, xi măng được tiêu thụ nội địa, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. 

Người ta cũng thường nói, “nhận thức” là quá trình, công nghệ sản xuất xi măng, phương thức sử dụng sản phẩm xi măng cũng diễn biến, thay đổi thường xuyên trong cả quá trình lịch sử phát triển hàng trăm năm. 

Là nước tiếp cận với công nghệ sản xuất xi măng chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam cũng trải qua gần như tất cả các chặng đường mà xi măng thế giới đi qua và ngày nay, xi măng Việt Nam cũng đang hướng tới một ngành phát triển bền vững, có công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn, sản phẩm đa dạng chất lượng cao, từng bước cải thiện môi  trường và hội nhập vào xi măng thế giới. 

Có thể sơ bộ đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển tuần tự từng bước của xi măng Việt Nam là do thị trường tiêu thụ nội địa phát triển chậm, công nghệ xi măng thế giới thiếu những bước phát triển đột biến và đặc biệt nhất là năng lực của chủ đầu tư hạn chế về tài chính, thị trường, công nghệ và quản lý. 
 

Từ chỗ thiếu xi măng, đến nay các nhà máy xi măng đã mọc lên khắp nơi trên mọi miền đất nước; đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Khái niệm về chất kết dính được nghiền sau khi nung hỗn hợp đá vôi và đất sét được phát hiện năm 1750 ở Anh Quốc và nó thực sự được xác nhận tính công nghệ năm1812 tại Pháp và đến những năm đầu của thế kỷ 20 (1909) xi măng portland được người Pháp đầu tư sản xuất tại nhà máy Xi măng Hải Phòng bằng công nghệ lò đứng thủ công. Và, sau 20 năm vận hành, Xi măng Hải Phòng đã có dây chuyền sản xuất xi măng bằng lò quay phương pháp ướt đầu tiên với chiều dài lò 87m, đường kính 2,7m. Vị thế độc tôn của Xi măng Hải Phòng bằng công nghệ lò quay phương pháp ướt kéo dài cho đến hết những năm 70 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này có xuất hiện một số nhà đầu tư khác nhưng cũng chỉ là công nghệ lò đứng thủ công. 

Mặc dầu công nghệ sản xuất xi măng trong gần 70 năm đầu tiên của xi măng Việt Nam chỉ bằng những công nghệ lạc hậu nhưng ghi lại những dấu ấn rất đậm nét. Trước khi Xi măng Hải Phòng cho ra đời những tấn xi măng đầu tiên, tất cả các công trình xây dựng lúc bấy giờ đều phải nhập khẩu xi măng từ Pháp và các nước trong khu vực. Với nhu cầu thị trường vô cùng nhỏ bé, Xi măng Hải Phòng đã tạo nên sự tự lực tự cường và ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn. Nhãn hiệu xi măng Con Rồng đã được đánh giá cao ở vùng Viễn Đông Vladivostock, Jawa (Indonesia) và sang cả Hoa Nam Trung Quốc. Công nghệ, địa điểm Xi măng Hải Phòng được lựa chọn thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về đầu tư. Xi măng Hải Phòng thỏa mãn mọi yêu cầu cơ bản trong đầu tư sản xuất xi măng cả về nguồn nguyên liệu, cung cấp nhiên liệu, vận tải, sự thuận tiện và sự mở rộng trong tương lai. 

Ngay từ lúc công nghệ xi măng thế giới đang nằm trong tình trạng lạc hậu, Xi măng Hải Phòng cũng đã không ngừng đổi mới, chuyển đổi từ lò công suất nhỏ sang lò công suất lớn, từ lò đứng sang lò quay phương pháp ướt và sự tăng trưởng nhanh chóng về công suất. 

Mặc dầu, lúc đầu tư nhà toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã chủ định không để cho xi măng được đầu tư ở nước thuộc địa vượt qua xi măng Chính Quốc, và mỗi khi cần xây dựng công trình đòi hỏi chất lượng cao đều phải nhập khẩu xi măng từ Chính Quốc. Nhưng những người thợ Xi măng Hải Phòng bằng năng lực, trí tuệ và lao động của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, năm 1909 Toàn quyền Đông Dương đã quyết định công nhận chất lượng xi măng do Hải Phòng sản xuất ngang với xi măng Parm de Larfage ở Pháp và nhờ đó từ năm 1910 xi măng mang nhãn hiệu “Con rồng đỏ” và “Con rồng xanh” do Hải Phòng sản xuất đã có mặt trên thị trường Viễn Đông và cho đến trước năm 1930 Xi măng Hải Phòng gần như chi phối thị trường Đông Nam Á và Nam Trung quốc.

Sau khi hòa bình lập lại, năm 1961 Xi măng Hải Phòng đã cho ra đời hàng loạt chủng loại xi măng đặc biệt như xi măng Pusolan chịu nước, xi măng chịu nhiệt, xi măng ít C3A bền nước biển, xi măng ít tỏa nhiệt .... Đây cũng là những chủng loại xi măng đặt nền móng cho đến ngày nay. 

Gọi Xi măng Hải Phòng là cái nôi của xi măng Việt Nam không chỉ vì nó được xây dựng và phát triển đầu tiên mà chính tại nơi đây đã hình thành bóng dáng một ngành xi măng hiện đại. Từ năm 1959 - 1965 do nhu cầu của nhà máy của ngành xi măng Việt Nam, trường đào tạo công nhân kỹ thuật được thành lập, là trung tâm đào tạo cán bộ công nhân cho nhu cầu cả nước. 

Sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc năm 1954 và đặc biệt từ khi Bộ Kiến trúc, tiền thân Bộ Xây dựng ngày nay ra đời ngày 29/4/1958, ngành xây dựng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển có định hướng và chỉ đạo sát sao từ Nhà nước, Xi măng Hải Phòng lại càng chứng tỏ vai trò trụ cột của mình trong sứ mệnh cung cấp nhiều chủng loại xi măng với khối lượng ngày càng cao. 

Cũng trong giai đoạn này, vào năm 1964, tại Kiên Lương, Kiên Giang nhà máy Xi măng Hà Tiên được đầu tư. Đây là địa điểm lý tưởng để đầu tư sản xuất xi măng. Tại Kiên Lương chủ yếu sản xuất clinker và chở về Thủ Đức nghiền xi măng, phục vụ cho thị trường miền Nam rộng lớn. 
 

Người Việt Nam tự hào đã làm chủ công nghệ sản xuất xi măng, kể cả các dây chuyền hiện đại nhất với công suất lò nung lên tới trên 12.000 tấn clinker/ ngày.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước độc lập, thống nhất, công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh đòi hỏi nguồn cung xi măng lớn về khối lượng, cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại. Ngành xi măng bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn mới. Cùng lúc vào các năm 1976, 1977 Việt Nam khởi công xây dựng 2 nhà máy quy mô công suất lớn, đó là dây chuyền 1 xi măng Hoàng Thạch theo công nghệ tiên tiến của thế giới, sản xuất bằng lò quay phương pháp khô có tháp trao đổi nhiệt, làm nguội clinker bằng hành tinh theo công nghệ cao của FLSmidth, Đan Mạch, tại Bỉm Sơn đầu tư dây chuyền sản xuất bằng lò quay phương pháp ướt hiện đại theo công nghệ của Liên Xô. 

Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ Việt Nam, trong điều kiện kinh tế rất khó khăn, năng lực quản lý còn hạn chế nhưng nhà nước quyết tâm đầu tư dây chuyền hiện đại. Sự ra đời của Xi măng Hoàng Thạch đã  làm nức lòng những nhà sản xuất xi măng trong cả nước. Với đội ngũ cán bộ công nhân được đào tạo bài bản, phòng thí nghiệm trình độ cao, Xi măng Hoàng Thạch sau này đã trở thành lò đào tạo cán bộ công nhân xi măng sản xuất bằng lò quay phương pháp khô hiện đại cho cả nước. Tuy nhiên do sức ép về nhu cầu xi măng nội địa, bắt buộc Nhà nước Việt Nam phải tìm giải pháp đầu tư song song 3 triệu tấn công suất bằng công nghệ xi măng lò đứng cơ giới hóa, chủ yếu là công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là giai đoạn mất cân đối cung - cầu xi măng và những cơn sốt thiếu xi măng luôn rình rập vào những tháng cao điểm. Nhà nước phải dành dụm ngoại tệ để nhập khẩu nhiều clinker từ nước ngoài. Đây là thời kỳ bùng nổ về số lượng dự án và nhà đầu tư, trước hết là các doanh nghiệp Nhà nước ở các tỉnh và sự bộc lộ khó khăn về nguồn tài chính cho đầu tư, nhà nước kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài, kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam bằng hình thức cổ phần, liên doanh. Các liên doanh mới như Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Chinfon, Luxvaxi, Holcim lần lượt ra đời; tạo ra sức sống mới cho xi măng Việt Nam. 

Cũng chính trong giai đoạn này đội ngũ tư vấn xi măng xuất hiện nhiều gương mặt mới. Sự vào cuộc của các tổ chức nghiên cứu công nghệ xi măng, các trường đào tạo, ... đã làm cho ngành xi măng sôi động mạnh mẽ. 

Tấm gương về đầu tư bài bản, có chiều sâu, hiệu quả của các liên doanh nước ngoài đã là những bài học lớn cho các nhà đầu tư xi măng Việt Nam. Tiếp cận với công nghệ xi măng lò đứng cơ giới hóa theo công nghệ Trung Quốc là bài toán khó đối với các doanh nghiệp địa phương, từ làm quen tiến lên làm chủ công nghệ, cải tiến công nghệ. Tất cả các nhà máy xi măng lò đứng cơ giới hóa đã thực sự trưởng thành, cải tạo rất thành công các dây chuyền nhập khẩu, đã thực sự làm chủ được công nghệ, giải quyết hàng loạt vấn đề kỹ thuật, công nghệ, ổn định chất lượng, bảo vệ môi trường và xi măng Việt Nam thực sự trưởng thành. Mặc dù vậy, do các dây chuyền đầu tư chủ yếu công suất nhỏ, công nghệ nung bằng lò đứng nên xi măng Việt Nam vẫn bộc lộ những nhược điểm về độ ổn định chất lượng, thiếu xi măng chất lượng cao, xi măng đặc biệt, xi măng cho những công trình đòi hỏi chất lượng cao. Vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất vẫn là những bài toán khó giải và mặc dầu rất cố gắng nhưng với nguồn vốn hạn hẹp của Nhà nước, cơ chế quản lý cồng kềnh, các nhà đầu tư xi măng là doanh nghiệp Nhà nước không thể có nguồn vốn lớn, rút ngắn thời gian đầu tư và gần như không thể vượt qua quy mô của xi măng lò đứng công suất 8 vạn tấn/ năm và Việt Nam vẫn chìm đắm và trở thành một trong những nước nhập khẩu lớn clinker, xi măng từ nước ngoài.

Là một nước giàu tiềm năng về nguyên liệu, nhiên liệu, có thị trường tiêu thụ xi măng nội địa mấy chục triệu tấn năm mà năng lực sản xuất cho đến những năm đầu thế kỷ XXI cũng chỉ trên dưới mười triệu tấn. 

Quy hoạch công nghiệp phát triển xi măng số 108/2005/QĐ-TTg năm 2005 chính là bước ngoặt lớn cho ngành xi măng. Từ việc nhà đầu tư xi măng là doanh nghiệp Nhà nước và liên doanh với nước ngoài, quy hoạch đã đưa xi măng trở thành ngành công nghiệp đầu tư mang tính xã hội hóa, mở đường cho việc đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp cổ phần...

Nhờ quyết định 108/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn cho xi măng được huy động tối đa. Nhiều nhà đầu tư tư nhân hăng hái vào cuộc. Điều đặc biệt là các dự án đầu tư mới chỉ tập trung vào công nghệ lò quay phương pháp khô có tháp trao đổi nhiệt nhiều tầng, hệ thống tiền nung và làm lạnh clinker bằng ghi quay. Quy trình đầu tư xi măng được đổi mới, tiến độ đầu tư được đẩy nhanh và chỉ sau 5 năm, kể từ ngày quy hoạch có hiệu lực, Việt Nam lần đầu tiên, vào năm 2010 đã trở thành nước tự chủ về nguồn xi măng được sản xuất từ clinker nội địa, chấm dứt hàng trăm năm phải nhập khẩu xi măng nước ngoài và đến năm 2014 đã trở thành nước xuất khẩu xi măng, clinker đứng thứ 2 thế giới và năm 2017 đã vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực này. 
 

Ngành Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn thế giới. Hàng năm xuất khẩu trên 20 triệu tấn clinker tới các châu lục.

Cũng chính trong những năm sau 2010 các nhà máy xi măng lò đứng của Việt Nam đã tự giải thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đóng góp một khối lượng xi măng lớn trong thời khắc đất nước tái xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bê tông xi măng nông thôn, góp phần quan trọng trong tạo dựng nông thôn mới. Những con đường lầy lội của mọi miền quê hương nông thôn trong cả nước đã được bê tông hóa mà xi măng lò đứng đóng vai trò quan trọng. Cùng với sự chuyển đổi công nghệ sản xuất của các dây chuyền xi măng lò đứng, các dây chuyền sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt cũng đã chuyển sang lò quay bằng phương pháp khô hiện đại. 

Với tổng công suất thiết kế hiện nay của xi măng Việt Nam trên dưới 100 triệu tấn, bản đồ xi măng thế giới xuất hiện xi măng Việt Nam ở bậc cao thứ 5 thế giới. 

Tuy nhiên yêu cầu đối với mọi nền công nghiệp, trong đó có xi măng trong thời  đại ngày nay là rất cao. Xi măng Việt Nam còn tồn tại nhiều dây chuyền công suất nhỏ, cần được đầu tư đổi mới công nghệ sáp nhập để trở thành doanh nghiệp lớn có điều kiện đầu tư chiều sâu, thay thế nguyên nhiên liệu tự nhiên bằng phế thải công nghiệp, tăng tỷ lệ phụ gia, giảm hàm lượng clinker trong xi măng, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải của chính nhà máy xi măng để phát điện. Số lượng dây chuyền sản xuất quá lớn so với tổng công suất thiết kế đang là trở ngại lớn trong việc tăng sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường. Việc chuyển đổi quy mô đầu tư cho mỗi dự án đang mở ra triển vọng xi măng Việt Nam vươn lên thành những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường ngày càng được cải thiện. 

Xi măng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua, nhưng những yêu cầu của cuộc sống, của cạnh tranh thị trường, của sự đa dạng hóa chủng loại, của bảo vệ môi trường đã hiện lên khá rõ trên bức tranh toàn cảnh của xi măng Việt Nam. Đây cũng chính là con đường mà xi măng Việt Nam đang và phải lựa chọn.

TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch HH Xi măng Việt Nam

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.