VLXD hoàn thiện tường, trần

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho thị trường kính xây dựng

22/06/2023 - 02:17 CH

Kính xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những vật liệu không thể thiếu trong xây dựng công trình. Thị trường kính xây dựng hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự trầm lắng của thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19.
Thực trạng sản xuất kính tại Việt Nam

Tính đến năm 2023, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất kính xây dựng khoảng 5.900 tấn/ngày tương đương 415 triệu m² QTC/năm, trong đó kính xây dựng sản xuất theo công nghệ nổi (kính nổi) là 3.370 tấn/ngày (tương đương 235 triệu m² QTC/năm) và kính xây dựng sản xuất theo công nghệ cán (kính cán) là 850 tấn/ngày (tương đương 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm), kính xây dựng siêu trắng 1.680 tấn/ngày (tương đương 120 triệu m² QTC/năm).

Các sản phẩm kính xây dựng hiện nay tương đối đa dạng về chủng loại, bao gồm kính nổi, kính siêu trắng, kính cán... Về chất lượng, các sản phẩm kính được sản xuất trong nước được phân loại từ mức chất lượng trung bình cho đến cao cấp, phục vụ cho nhiều nhu cầu của thị trường (chung cư cao cấp, khu đô thị, khách sạn, condotel, officetel, nhà ở tư nhân nằm ngoài khu đô thị...).

Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu sản xuất kính xây dựng như cát thạch anh, đôlômit, đá vôi... phong phú, chất lượng cao, đặc biệt cát thạch anh với chất lượng rất tốt, trữ lượng lớn, như ở Cam Ranh, Vân Hải, các tỉnh miền Trung... có thể chế biến để sản xuất các loại kính xây dựng có chất lượng cao như kính xây dựng siêu trắng (siêu trong)...

Về quy cách sản phẩm, các sản phẩm kính xây dựng như kính nổi, kính kéo, kính cán vân hoa... được sản xuất trong nước đạt các tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng. Bên cạnh đó, kính xây dựng cũng đạt yêu cầu các tiêu chuẩn nước ngoài như EN, BS, TIS, ASTM... do vậy, kính xây dựng Việt Nam đạt yêu cầu cho xuất khẩu ra một số thị trường trên thế giới (Canada, Ấn Độ, Phillipines, Hàn Quốc...). Sản phẩm kính nổi sản xuất ở Việt Nam có độ dày từ 3 mm đến 25 mm, có nhiều màu khác nhau và kích thước tấm nhỏ nhất là 610 x 914 mm và kích thước lớn nhất tới 3.658 x 5.080 mm, kính nổi có tính chất quang học tốt, có độ phẳng cao...

Doanh nghiệp của ngành công nghiệp kính xây dựng được chia thành các khối: sản xuất, gia công, lắp đặt. Khối sản xuất có số lượng là 10 doanh nghiệp. Khối gia công - lắp đặt hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp với các quy mô doanh nghiệp khác nhau, từ lớn, trung bình, nhỏ và siêu nhỏ.


Hiện tại, lượng thương mại ngoại biên (xuất khẩu, nhập khẩu) các sản phẩm kính xây dựng khá lớn, chủng loại cũng rất đa dạng, bao gồm từ phôi kính xây dựng (kính xây dựng nguyên tấm) tới các loại kính xây dựng đã qua gia công (kính tôi nhiệt, kính dán, gương...) và các loại cấu kiện đã chế tạo sẵn có chứa vật liệu kính xây dựng (cửa sổ, cửa đi, mặt dựng...)

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 có mặt ở Việt Nam, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các doanh nghiệp sản xuất kính cũng không ngoại lệ.

Từ tháng 4/2022, thị trường bất động sản đi vào chu kỳ suy giảm nghiêm trọng. Từ thời điểm đó đến nay, nhu cầu của thị trường bất động san với các sản phẩm kính xây dựng sụt giam tới mức rất thấp, nhiều doanh nghiệp bất động sản quyết định dừng công trình, không tiếp tục thi công. Doanh nghiệp sản xuất kính vì thế cũng bị suy giảm theo.

Tại các tỉnh thành lớn, nhiều dự án đang thi công bị dừng hoặc chủ đầu tư mất khả năng thanh toán cho nhà thầu gia công kính xây dựng, nhà thầu lắp đặt kính xây dựng và các cấu kiện khác (các loại cửa số, cửa đi, mặt dựng).

Do vậy, các doanh nghiệp khối gia công và khối lắp đặt kính xây dựng không thu được nợ dẫn tới khó khăn chồng khó khăn. Đối với khối sản xuất, một số nhà máy ngừng sản xuất do lò nấu thủy tỉnh đã đi vào chu kỳ dừng lò sửa chữa nguội, thị trường đang trầm lắng, lượng tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp không có kế hoạch sửa chữa lò nấu, để khởi động lại công tác sản xuất.

Vào đầu năm 2023, mặc dù thế giới đã trở lại bình thường và ổn định sau dịch Covid-19, chuỗi cung ứng không còn bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do sản lượng nhập khẩu kính xây dựng nguyên tấm cũng như kính đã qua gia công đều tăng. Doanh thu toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 70 - 80% so với cùng kỳ, đánh dấu một thời kỷ suy giảm dài và liên tục.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành kính

Theo Hiệp hội Kính xây dựng và Thủy tinh Việt Nam, nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của ngành kính xây dựng, đề nghị Nhà nước thành lập Quỹ để cấp vốn trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà thầu, nhằm hoàn thiện các dự án đang ngưng thi công.

Quỹ cấp vốn sẽ có nhiệm vụ đánh giá dự án; đánh giá phần vốn được góp từ Quỹ vào dự án; quyết định danh mục dự án được rót vốn từ Quỹ; thỏa thuận với chủ đầu tư để đổi vốn lấy bất động sản (sau khi bất động sản đã hoàn thành). Bất động sản sau khi hoàn thành, thuộc sở hữu của Quỹ, sẽ được bán đấu giá rộng rãi.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ việc gia hạn nợ; tái cơ cấu nợ vay phù hợp để giảm rủi ro cho doanh nghiệp.

Với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho khối doanh nghiệp này, vì khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là bộ phận dễ tổn thương nhất của nền kinh tế.

Đề xuất giãn, giảm các loại thuế liên quan đến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người lao động có thể mua được nhà ở xã hội, qua đó phát triển thị trường nhà ở xã hội theo định hướng lâu dài và bền vững.

Xem xét hạn chế nhập khẩu kính xây dựng đã qua gia công, bằng biện pháp áp thuế theo phương thức tính thuế dựa trên trọng lượng nhập khâu, tùy theo xuất xứ của hàng nhập khẩu.

Cần xây dựng và áp dụng các biện pháp Hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm kính xây dựng nhằm tạo thế tương quan lực lượng và xác định vị thế cạnh tranh cân bằng với các quốc gia khác hiện đang áp dụng hiệu quả các biện pháp Hàng rào kỹ thuật đối với kính nhập khẩu như: Thái Lan, Malaysia, Philipines, Ấn Độ... Cách làm này hoàn toàn không trái với những quy định trong Tự do thương mại của WTO.

Hiện số lượng các nhà máy đang vận hành có tổng công suất đáp ứng tương đối đủ nhu cầu về kính xây dựng tại Việt nam trong 5 năm tới, do vậy Bộ xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần cân nhắc kỹ, hoặc hạn chế việc cấp phép đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất kính xây dựng thông thường, chỉ nên ưu tiên các nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm kính công nghệ, kính tiết kiệm năng lượng và các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

Khảo sát chất lượng vật liệu xây dựng trong nước, với những chủng loại vật liệu xây dựng có mức chất lượng cao, nghiên cứu để nâng cấp tiêu chuẩn quốc gia nhằm thiết lập Hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu.

VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.