Việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng đang bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trong khi đó, theo lộ trình của UBND TP. Huế, đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước phải đạt 100%. Điều này đòi hỏi các đơn vị thi công cần có giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác giám sát.
Theo Sở Xây dựng, việc sử dụng gạch không nung trong các công trình có vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Huế đã được triển khai từ năm 2013. Đến năm 2025, các công trình xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công phải sử dụng 100% VLXKN. Với các công trình từ 9 tầng trở lên sử dụng vốn khác, tỷ lệ này tối thiểu phải đạt 80%, ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN cần được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, các chủ đầu tư và nhà thầu vẫn thận trọng khi sử dụng gạch không nung do lo ngại về hiện tượng nứt, thấm tường, đặc biệt ở các điểm tiếp giáp giữa hai loại vật liệu. Dù tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố. Vì vậy, các đơn vị thi công đã áp dụng các biện pháp như sử dụng lưới mắt cáo, lưới thủy tinh để hạn chế nứt tường và tăng cường bảo dưỡng vật liệu trước và sau khi xây dựng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để giảm thiểu rủi ro, cần gia cố các mối giằng, trụ tường. Tuy nhiên, cách này sẽ làm gia tăng chi phí xây dựng. Trên thực tế, gạch không nung chủ yếu được sử dụng trong các công trình công, còn nhà ở dân dụng và công trình tư nhân ít sử dụng do lo ngại về chất lượng cũng như yêu cầu kỹ thuật khi thi công.
Hiện TP. Huế có khoảng 30 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất khoảng 350 triệu viên/năm. Phần lớn các cơ sở này áp dụng công nghệ ép tĩnh và ép rung, đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Tuy nhiên, một số hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn hoạt động theo phương thức tự phát, không đảm bảo chất lượng đồng đều.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt, thấm khi sử dụng gạch không nung có thể xuất phát từ chất lượng gạch không đạt yêu cầu về cường độ chịu lực, độ co ngót và độ ẩm. Ngoài ra, việc thi công chưa đúng kỹ thuật, thiết kế cấu tạo tường chưa hợp lý cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng. Đặc biệt, điều kiện khí hậu nóng ẩm của Huế cũng góp phần làm VLXKN dễ bị giãn nở hoặc co ngót, dẫn đến tình trạng nứt tường.
Để khắc phục những hạn chế trên, TP. Huế đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sử dụng VLXKN, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Phát triển VLXKN được xem là giải pháp thay thế bền vững cho gạch đất sét nung, giúp giảm khai thác tài nguyên đất và than, đồng thời hạn chế lượng khí thải CO₂.
Sở Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quản lý chất lượng VLXKN trong xây dựng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ dài hạn như ưu đãi về vốn, thuế và thuê đất đối với các doanh nghiệp sản xuất VLXKN. Đồng thời, cần nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giúp loại vật liệu này đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công trình xây dựng.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn