Chuyên đề vật liệu xây dựng

Cách khắc phục cầu thang bay bị nứt và rung

07/11/2022 - 12:21 CH

Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các thông tin liên quan đến cầu thang bay, và cách khắc phục tình trạng cầu thang bay bị nứt và rung.
>> Làm mới cho cầu thang cũ
>> Một số mẫu cầu thang đẹp và tiết kiệm diện tích cho nhà nhỏ hẹp
>> Cầu thang bay - mẫu cầu thang hiện đại, tinh tế cho không gian ngôi nhà

1. Ưu - nhược điểm của cầu thang bay
     
Ưu điểm của cầu thang bay:

- Tăng vẻ thẩm mỹ cho không gian, giúp nhà bạn thêm tinh tế, sang trọng

- Không có phần dầm cầu thang làm giới hạn tầm nhìn

- Các bậc cầu thang thông thoáng, tạo điều kiện cho sự lưu thông không khí và ánh sáng trong nhà

- Cầu thang bay rất dễ vệ sinh, lau chùi

Nhược điểm của cầu thang bay:

- Không thích hợp với gia đình có người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Bởi khoảng trống, không dầm sẽ khiến cho bước chân bị hụt nếu không cẩn thận.

- Thi công khá phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và kinh nghiệm dồi dào. Nếu không, cầu thang rất dễ bị rung, phần tường lắp cầu thang bị nứt vỡ hoặc nghiêm trọng là bậc cầu thang bị rơi trong quá trình sử dụng.

- Chi phí xây dựng cao hơn các kiểu cầu thang khác.

- Mẫu cầu thang bay thường được thiết kế cho những công trình mới, hiếm khi lắp cho công trình cũ vì có thể phần tường không đáp ứng yêu cầu chịu lực.

2. Tại sao cầu thang bay lại bị nứt và rung? Cách xử lý
     
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) nhận định, dù kết cấu đơn giản nhưng cầu thang bay thi công rất phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao. Điều đáng lưu ý nhất là do cốn thang nằm trong tường, nên tại vị trí mặt bậc vuông góc tiếp giáp với tường sẽ xuất hiện mô men lực rất lớn, có thể bẻ gãy cổ bậc. Nếu tính toán không đảm bảo kết cấu, rất dễ dẫn tới hiện tượng nứt hoặc gãy mặt bậc sau một thời gian sử dụng.

Trong trường hợp bạn làm thang bay từ khi bắt đầu xây nhà, kiến trúc sư sẽ phải tính toán và bố trí hệ thống dầm bê tông cốt thép chạy dọc với vị trí thang, đảm bảo tính bền vững và an toàn nhất. Lúc này toàn bộ sắt mặt bậc sẽ được liên kết chắc chắn với hệ thống dầm trước khi đổ bê tông.

Nếu tường nhà mỏng, không đủ tiết diện để đổ dầm, sau khi xây thô sẽ phải bố trí hệ thống dầm thép chạy sát tường rồi từ đó mới hàn liên kết với mặt bậc. Vật liệu hoàn thiện mặt bậc do bạn tùy chọn, có thể bằng gỗ, bê tông, kính, sắt....

Trở lại câu hỏi vì sao "phần tường lắp cầu thang bị nứt, bước lên thang cứ thấy rung rung", rất có thể thang bay trong nhà chỉ đổ tấm đan bê tông rồi gắn tường.

KTS Trương Thành Trung đưa ra cách xử lý như sau:

Với kết cấu này, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, tấm đan sẽ gãy hoặc biến dạng chiều cao cổ bậc. Để giải quyết sự cố này, gia chủ có thể sử dụng bản mã thép để gia cố thêm phía dưới mặt bậc cầu thang.


Bản mã thép dày 10 ly gia cố thêm phía dưới mặt bậc có thể khắc phục việc cầu thang bay bị rung sau một thời gian sử dụng

Trong trường hợp nếu không thể gia cố tại vị trí sát với tường, có thể dùng hệ thống cáp treo hoặc sắt cố định một đầu của mặt bậc, sau đó treo lên hệ thống trần nhà.


Cách "chữa" cho thang bay khỏi bị rung, có thể dùng hệ thống cáp treo cố định một đầu của mặt bậc

3. Lưu ý khi thi công cầu thang bay     

- Tính toán kỹ lưỡng độ dốc của cầu thang

Đối với cầu thang nói chung và cầu thang bay nói riêng, độ dốc là một yếu tố quan trọng. Bởi, nếu cầu thang quá dốc sẽ khiến di chuyển trở nên mệt mỏi, quá thoải mái thì tốn kém. Yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào chiều cao và chiều rộng của bậc thang.

- Quy chuẩn khi thi công cầu thang bay là:

+ Chiều cao 1 bậc từ 15 – 18cm

+ Chiều rộng 1 bậc từ 24 – 30cm

- Quan tâm đến chiều cao của lan can

Rất nhiều người yêu thích cầu thang bay bởi nó có tính thẩm mỹ cao. Nhưng cũng không ít người e ngại về độ an toàn khi gia đình có người già và trẻ nhỏ. Phương án tối ưu nhất là làm thêm lan can và tính toán chiều cao phù hợp. Lan can cầu thang bay có thể làm bằng kính cường lực, gỗ, dây hoặc thanh thép… Chiều cao của lan can phù hợp là từ 85 – 90cm.

- Không nên sử dụng cầu thang bay cho công trình cũ

Do kết cấu một bên cắm vào tường và một bên tự do nên khi di chuyển thường hay bị rung lắc. Bên cạnh đó, công trình cũ đã có sẵn kết cấu nếu phá dỡ có thể tốn thêm rất nhiều chi phí. Nếu cải tạo từ kết cấu cũ thì có thể không đảm bảo khả năng chịu lực. Từ đó dẫn đến không an toàn trong quá trình sử dụng.

- Không phù hợp cho người sợ độ cao, yếu tim hay huyết áp cao

Dù thi công cầu thang bay đảm bảo chất lượng nhưng giữa các bậc cầu thang có một khoảng trống và sự chênh lệch về độ cao nên dễ khiến những người sợ độ cao, yếu tim, cao huyết áp khó khăn trong sử dụng. Vì vậy, bạn cần cân nhắc sử dụng cầu thang bay ở không gian người cao tuổi ít sử dụng. Tốt nhất nên chọn một loại cầu thang khác phù hợp hơn.

- Nên chọn đơn vị thi công cầu thang bay uy tín, chất lượng

Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, thẩm mỹ không chỉ cầu thang mà cả ngôi nhà. Bạn có thể tìm kiếm đơn vị thông qua các trang thông tin uy tín. Hoặc nếu có điều kiện hãy đến xem trực tiếp công trình do đơn vị thực hiện nhé.

VLXD.org (TH/ happynest)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.