Vật liệu và Kiến trúc

Những công trình độc đáo sử dụng kính nhiều lớp PVB

02/11/2021 - 02:35 CH

Polyvinyl Butyral (PVB) là một loại nhựa chủ yếu được sử dụng cho các yêu cầu liên kết mạnh, độ trong quang học, bám dính trên nhiều bề mặt, độ dẻo dai và tính linh hoạt như kính ô tô, công trình kiến trúc, với ưu điểm cách âm, chống chói và tia UV. Bằng cách xếp nhiều lớp PVB màu khác nhau, hiệu ứng mang lại giúp các KTS, NTK có thêm nhiều lựa chọn cá tính. Dưới đây là 6 công trình sử dụng kính nhiều lớp PVB giúp mang lại hiệu quả tuyệt vời.
Tòa nhà Khoa học máy tính – Đại học Queen, Anh Quốc
 
 
Dự án được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc Kennedy Fitzgerald với mục đích tăng thêm sự sinh động cho tòa nhà bê tông nhàm chán một thời tại Đại học Queen, Belfast. Các KTS đã sử dụng kính màu cho phần lan can bên trong cùng với các thanh lam giảm nhiệt ở mặt đứng, giúp mang lại cảm giác tươi mới và năng động cho các sinh viên Ngành khoa học máy tính, vốn được nhiều người cho là buồn tẻ và vô vị.

Trường dành cho người khuyết tật, Utah, Mỹ


Văn phòng Jacoby Architects đã sử dụng kính màu ở khu vực cầu thang, không gian chung, nhà đa năng nhằm tạo điểm nhấn có độ tương phản cao, giúp không gian có thêm ánh sáng, màu sắc vui tươi và những người có thị lực kém có thể định hướng không gian được tốt hơn. Kết hợp nhiều loại màu sắc với nhau và có độ trong suốt từ trong đến mờ 100%, thiết kế vẫn duy trì độ riêng tư ở các không gian cần thiết như phòng điều trị.

Trung tâm Nhi khoa Princess Máxima ở Hà Lan
 

Trong quá trình điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Ung thư Nhi khoa Princess Máxima ở Utrecht, các em phải băng qua một con đường 4 làn đông đúc, để đến chuyên khoa tại Bệnh viện Nhi Wilhelmina ngay bên đường. Các KTS và kỹ sư của LIAG đã thiết kế một “đường hầm ánh sáng trị liệu” nhằm tăng tính sinh động và mang tính phục hồi. Cải thiện tâm trạng cho các bệnh nhi một cách tự nhiên, phần kính còn giúp ngăn chặn tiếng ồn từ bên ngoài.

Trung tâm thương mại Emporia ở Thụy Điển


Khu phức hợp mua sắm Emporia tạo ấn tượng bởi thiết kế và kỹ thuật xây dựng của nó. Hình dạng giống như những đợt sóng, để làm được điều đó là nhờ vào sức mạnh và tính linh hoạt của các lớp PVB. Lối vào phía Đông có màu hổ phách và lối vào phía Tây có màu xanh ngọc của biển. Tiếp nối những ấn tượng bên ngoài là phần thang máy, cầu thang, các gian hàng, khu vệ sinh,…như đang mời gọi các du khách khám phá và trải nghiệm.

Trung tâm cảm biến ở Liverpool


Mặt kính của công trình lấy cảm hứng từ chip máy tính của Trung tâm Cảm biến – Sensor City. Bằng cách xếp nhiều lớp PVB lại với nhau, các NTK tạo ra được nhiều màu sắc và hiệu ứng, giúp các họa tiết phức tạp có thể được nhìn thấy cả trong và ngoài. Bản thân các miếng lót cũng có thể được tùy chỉnh để tạo độ thẩm mỹ. Khi ánh sáng mặt trời đi qua mặt kính sẽ làm nổi bật các họa tiết từ bên ngoài và cả không gian bên trong. Dự án tái hiện lại hình ảnh các con chip, công nghệ cảm biến nhằm nhắc nhở và truyền cảm hứng cho mọi người về công nghệ cảm biến mang tính cách mạng – về chức năng và mục đích của nó. Kính nhúng PVB có thể thay thế mọi bề mặt,  từ nội thất đến ngoại thất, phẳng hay cong, treo hoặc chịu lực, đồng thời mang lại niềm hứng khởi cho các công trình.

Con đường cầu vồng ở Trung Quốc


Cây cầu được áp sát vào sườn núi, sử dụng kính nhúng PVB đầy màu sắc khiến du khách tham quan Vách đá Cầu vồng nổi tiếng ở Trung Quốc giống như đang đứng bên trong một cầu vồng. Lớp PVB bổ sung khả năng bảo vệ cả tia cực tím và tăng độ chịu lực cho bề mặt kính. Dù nằm tại vách núi cheo leo, chiếc cầu vẫn được hơn 500.000 du khách tham quan hàng năm.

VLXD.org (TH/ Kiến Việt)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.