Vật liệu và Kiến trúc

Kiến trúc đương đại sử dụng kết cấu bằng tre

20/07/2023 - 03:35 CH

Không chỉ nằm trong nỗ lực tìm kiếm hướng đi nhằm kéo giảm tác động của con người lên Trái đất, các tòa nhà bằng tre đương đại ở Bali (Indonesia) đang hé mở câu trả lời cho bài toán đặt ra suốt bấy lâu về kiến trúc bền vững. 

Ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Indonesia hay Việt Nam, tre được xem như một loại vật liệu tái tạo, bởi tốc độ tăng trưởng vượt trội cùng quá trình thu hoạch không gây hại đến môi trường. Dù được sử dụng trong xây dựng từ hàng nghìn năm trước nhưng nguyên liệu tre từng không được đánh giá cao, do dễ dàng bị côn trùng đục phá khiến các công trình khó bảo đảm chất lượng. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi các nhà khoa học phát hiện ra phương pháp xử lý mới cho độ bền của tre - nguyên liệu, giá trị sử dụng của nó đã được nâng cao rõ rệt.

Loại cây này có khả năng chống động đất và có độ bền kéo cao khoảng 11.400/cm² so 9.300/cm² của thép. Tre mạnh hơn cốt thép bởi nó sở hữu tỷ lệ cường độ kéo so trọng lượng riêng lớn hơn gấp sáu lần, trong khi năng lượng cần thiết để sản xuất lại ít hơn gấp hàng chục lần. Với tính linh hoạt, sức mạnh và phẩm chất tái tạo của mình, ngày càng nhiều kiến trúc sư trên khắp thế giới quy tụ tại Bali để nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xây dựng bền vững với nguyên liệu tre.

Phát triển một dự án xây dựng bằng tre đòi hỏi quá trình sáng tạo, sự hợp tác và chuyên môn kỹ thuật. Trước đây, công đoạn thi công kết cấu cột và dầm bằng tre chủ yếu phụ thuộc những người thợ thủ công lành nghề. Chỉ họ mới nắm được phương pháp chạm khắc và lắp ráp các loại khớp nối, bắt nguồn từ kỹ thuật đóng khung gỗ lâu đời. ​Bây giờ, tiến bộ về khoa học công nghệ (như việc lên ý tưởng và tính toán độ khả thi thực tế bằng kính VR/AR, cách bắt vít hay sử dụng các miếng chèn in 3D...) đã mang đến những giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn hẳn.

Tại Bali, IBUKU (trong ảnh), Bamboo U hay Green School... sở hữu những khuôn viên được làm hoàn toàn bằng tre, với phong cách kiến trúc độc đáo kết hợp tính thẩm mỹ và bảo đảm tất cả chức năng cần thiết. Các kiến trúc sư đã tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo, làm mát thụ động, đường dẫn ánh sáng tự nhiên và thu gom nước mưa... trong tổng thể các công trình. Các phương pháp thiết kế và xây dựng độc đáo này nhanh chóng thu hút sự quan tâm cũng như truyền cảm hứng cho các nhà xây dựng trên toàn thế giới mang phương pháp tiếp cận bền vững trở lại ngôi nhà của chính họ.

Sự pha trộn giữa các kỹ thuật lâu đời và các giải pháp hiện đại là điều làm cho kiến ​​trúc tre trở nên thú vị và năng động. Đó là lĩnh vực không ngừng phát triển, mở ra những khả năng mới cho việc xây dựng ngày càng sáng tạo và bền vững hơn, kiến trúc sư Neil Thomas khẳng định.

VLXD.org (TH/ Nhân dân)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.