Sản xuất xanh

Mua bán CO2 - xu thế mới nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH

18/10/2016 - 05:09 CH

Tăng cường hợp tác thông qua mua bán CO2 sẽ giúp cắt giảm 32% chi phí giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) từ nay cho tới năm 2030, đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo “Hiện trạng và xu thế định giá CO2 2016” công bố tại hội nghị Đối thoại chiến lược về kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với BĐKH do Bộ TN&MT phối hợp với World Bank tổ chức ngày 18/10.
Kết quả phân tích các mô hình trong báo cáo cho thấy, tăng cường mua bán CO2 sẽ giúp giảm phát thải trên quy mô lớn với chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay. Kết quả phân tích này đưa ra dựa trên mục tiêu giảm thiểu CO2 nêu trong các kế hoạch quốc gia về BĐKH trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Mua bán phát thải CO2 được đề cập đến lần đầu tiên tại Nghị định thư Kyoto (một văn kiện liên quan đến Chương trình khung về BĐKH của Liên Hợp Quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính thức có hiệu lực vào ngày 16/2/2005). Đây là một phần của mua bán phát thải nói chung.

Trong loại hình mua bán này, mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép xả. Những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép sẽ có quyền bán sức chứa khí thải còn dư của mình cho những quốc gia mà lượng khí thải vượt quá giới hạn cho phép.
 

Theo báo cáo của WB, mục tiêu cắt giảm phát thải để đạt mục đích nhiệt độ chỉ tăng 2°C sẽ khó có thể đạt được với chi phí thấp nếu không tăng cường mua bán CO2. Tăng cường hợp tác thông qua mua bán CO2 sẽ giúp cắt giảm 32% chi phí giảm nhẹ tác động của BĐKH từ nay cho tới năm 2030, dự kiến đến năm 2050 sẽ cắt giảm 50% chi phí.

Ông John Roome, Giám đốc cao cấp về BĐKH của WB cho rằng: “Càng tăng cường hợp tác thông qua mua bán CO2 thì càng tiết kiệm được nhiều. Muốn hiệu quả, các chính sách định giá CO2 phải được phối hợp tốt với các chính sách năng lượng và môi trường khác. Điều đó đòi hỏi phải hợp tác trong nội bộ từng nước và giữa các nước với nhau”.

Báo cáo cũng cho biết, Thỏa thuận Paris đạt được tại Hội nghị COP21 cuối năm 2015 đã đặt nền móng cho một sự hợp tác toàn cầu thông qua thị trường CO2. Trên 100 nước đang nghiên cứu đưa sáng kiến định giá CO2 vào trong cam kết của mình, thông qua mua bán CO2 trong nội bộ mỗi nước và giữa các nước, cấp tín chỉ quốc tế, đánh thuế CO2 và các biện pháp khác.

Theo khuôn khổ hợp tác mới này, một nước sẽ được hưởng lợi từ hoạt động giảm thiểu khi các hoạt động đó giúp một nước khác hoàn thành nghĩa vụ.

Báo cáo tính toán, các nước có chi phí giảm nhẹ thấp có thể thu được một khoản từ 2-5% GDP và dùng khoản tiền đó đầu tư nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050.

Theo Chinhphu.vn
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.