Kinh doanh - Đầu tư

Thị trường gạch ốp lát trong nước tăng trưởng chậm

07/06/2022 - 09:18 SA

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc ceramic. Vài năm gần đây, thị trường tăng trưởng chậm lại do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Công suất - nguồn cung lớn

Trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tổng công suất toàn ngành gạch ốp lát Việt Nam (gồm gạch ceramic, granite, gạch cotto) đạt trên 800 triệu m²; với 93 đơn vị sản xuất, trong đó: 66 cơ sở sản xuất gạch ceramic với tổng công suất thiết kế là 608,6 triệu m²/năm; 22 cơ sở sản xuất gạch granite với tổng công suất thiết kế là 182 triệu m²/năm; 5 cơ sở sản xuất gạch cotto với tổng công suất thiết kế là 31 triệu m²/năm.

Với năng lực và sản lượng như trên, gạch ốp lát Việt Nam đã được Tạp chí Ceramic World Review, tạp chí ceramic uy tín hàng đầu Thế giới xếp vị trí thứ 4 Thế giới, chỉ sau sản lượng của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. 

Với việc đầu tư các dây chuyền thiết bị mới, đồng bộ và hiện đại, nhiều nhà máy đã sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, Việt Nam có nhiều nhà máy ceramic mang tầm quốc tế, trong đó công suất đạt tới 70 triệu m²/năm. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn còn một số nhà máy đầu tư lâu, dây chuyền sản xuất lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng cao.

Tỷ lệ khai thác công suất của các cơ sở sản xuất gạch gốm ốp lát đạt trung bình khoảng 75 - 80% công suất thiết kế. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành gạch ốp lát gặp nhiều khó khăn, nên sản xuất chỉ đạt khoảng 65 - 70% công suất lắp đặt, tương đương khoảng 560 triệu m²/năm.

Tại sao tăng trưởng chậm?

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa tại các địa phương để phòng chống dịch, đã dẫn đến ngưng trệ thi công tại những công trình xây dựng, các chuỗi cung ứng vật tư cho sản xuất cũng bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đế sản xuất cũng như tiêu thụ vật liệu xây dựng.


Thị trường gạch ốp lát Việt Nam cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc ceramic. 

Thị trường xuất khẩu bị đình trệ do các nước trong khu vực và trên Thế giới áp dụng phong tỏa, vận tải biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá vận tải, dịch vụ logistic tăng cao gây khó khăn cho xuất khẩu sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, sau một thời gian khá dài đầu tư mạnh mẽ, hiện nay tổng công suất các nhà máy gạch ốp lát là khoảng 850 triệu m³/năm, vượt xa so với dự báo năm 2020 của Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, sản xuất đã hoàn toàn đáp ứng nhu cầu về vật liệu ốp lát trong nước và đã xuất khẩu một lượng lớn.

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam cạnh tranh khá cao, nhất là trong phân khúc ceramic. Bên cạnh các sản phẩm gạch ốp lát sản xuất trong nước, hàng năm, các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập khẩu một lượng khá lớn sản phẩm từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha...

Nguyên nhân là rào cản gia nhập thị trường ở mức trung bình, do chi phí vốn và công nghệ không quá cao. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị sản xuất rất lớn, sản phẩm giữa các đơn vị không có nhiều khác biệt vượt trội nên cạnh tranh nhau gay gắt. Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện có rất nhiều chủng loại thay thế cho gạch ốp lát, như gỗ tự nhiên, gỗ ép nhân tạo, đá tự nhiên, đá nhân tạo, nhựa tổng hợp… Áp lực từ sản phẩm thay thế là rất lớn, lại được hỗ trợ bởi bối cảnh các sản phẩm có xu hướng giảm giá nên tính cạnh tranh càng mạnh.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gạch ốp lát lại gia tăng đáng kể. Điều này đã đẩy giá thành gạch tăng lên. Trong bối cảnh dư cung, để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp phải giảm biên lợi nhuận. Ngay cả doanh nghiệp đầu ngành như Viglacera cũng phải chấp nhận thực tế này, biên lợi nhuận gộp mảng gạch ốp lát của công ty đã giảm từ 29% (năm 2018) xuống chỉ còn 19% (năm 2021), đi cùng với sự suy giảm của doanh thu.

Nhìn về dài hạn, thị trường gạch ốp lát được đánh giá sẽ còn tăng trưởng, do nhu cầu xây dựng rất lớn tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, hướng tới sản xuất đa dạng sản phẩm về kích thước, mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. 

Thị trường trong thời gian tới tiếp tục cạnh tranh cao, khi cung vượt cầu ở thời điểm hiện tại. Thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam thay đổi, chuyển từ gạch ốp lát ceramic sang các sản phẩm gạch ốp lát pocelain, granite, có kích thước lớn… Do vậy, các doanh nghiệp đầu tư sau có công nghệ hiện đại hơn sẽ có lợi thế trong cạnh tranh. Xu hướng dịch chuyển sang sản phẩm trung cao cấp sẽ tăng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và thương hiệu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ chú tâm sản xuất mà còn phải có chiến lược bài bản để trụ vững trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.