Kinh doanh - Đầu tư

Sản xuất và tiêu thụ xi măng còn nhiều khó khăn

20/02/2014 - 02:37 CH

Được coi là ngành sản xuất VLXD tiêu thụ tốt nhất, có lượng hàng tồn kho ít nhất, nhưng công nghiệp xi măng Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của nền kinh tế trong nước nói chung...
Từ năm 2011-2012, nhất là khi đầu tư xây dựng sụt giảm, thị trường BĐS "đóng băng", công nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa. Nhiều dây chuyền sản xuất cầm chừng. Hầu hết, dự án nhà máy xi măng mới đầu tư, vừa đi vào hoạt động đều thua lỗ. Bộ Xây dựng, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, đã phải rà soát lại quy hoạch phát triển ngành xi măng và trong năm 2013 Bộ này đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng công suất hơn 2.500 tấn clinke/ngày ra khỏi quy hoạch, đồng thời giãn tiến độ 7 dự án có công suất hơn 2.500 tấn clinke/ngày đến sau năm 2015. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, bảo đảm thực hiện đúng nội dung được phê duyệt.


Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) - đơn vị đang nắm thị phần lớn nhất, ngoài những tác động tiêu cực từ nền kinh tế khiến sản phẩm tồn kho, thì giá nguyên, vật liệu đầu vào của ngành tăng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng. Tính toán của Vicem cho thấy, từ tháng 4-2013, giá than tăng 37 - 41% tùy chủng loại; cũng từ tháng 8-2013 giá điện tăng 5%, giá vỏ bao tăng 0,6%, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vẫn tiếp tục khó khăn, mặc dù lãi suất tín dụng ngân hàng giảm đáng kể so với thời điểm nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát cao. Năm qua, Vicem tiếp tục cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ những dự án chưa mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, tập trung quyết toán các dự án đã hoàn thành, so với kế hoạch giá trị thực hiện đầu tư và giải ngân đã giảm chỉ còn 45 - 49%.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, xi măng vẫn là sản phẩm tiêu thụ khá nhất so với các sản phẩm vật liệu xây dựng khác. Trong khi phần lớn các nhà máy gạch ốp lát sản xuất cầm chừng vì tiêu thụ chậm, công suất khai thác dưới 75% thiết kế và lượng tồn kho lớn mặc dù từ đầu năm 2013 nhiều dây chuyền phải dừng sản xuất; trong khi sản xuất kính nổi chưa có dấu hiệu khả quan và kính nổi, kính cán là sản phẩm có tồn kho lớn nhất thì tổng sản lượng xi măng tiêu thụ vượt kế hoạch năm 2013 hơn 7%, vượt sản lượng tiêu thụ năm 2012 gần 14%. Đặc biệt, xi măng xuất khẩu đạt 14 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn. Tuy nhiên, có thể thấy tổng sản lượng tiêu thụ vẫn thấp hơn tổng công suất các nhà máy xi măng đang hoạt động (khoảng 70 triệu tấn). Giá thành xi măng xuất khẩu thường thấp hơn tiêu thụ nội địa nên hiệu quả không cao, không phải là giải pháp lâu dài.

Với việc tiêu thụ trong năm 2014, dự báo của Bộ Xây dựng là sản lượng xi măng sẽ tăng nhẹ 1,5 - 3%, ước đạt khoảng 62 - 63 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 48,5 - 49 triệu tấn. Vì vậy, Bộ tiếp tục rà soát việc thực hiện dự án xi măng trong kế hoạch đến năm 2015 và sẽ điều hành linh hoạt, kịp thời đối với cung - cầu xi măng của cả nước. Đồng thời, Bộ yêu cầu các đơn vị lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa từ lò nung trong các nhà máy xi măng để phát điện với mục tiêu sau năm 2015 ngành xi măng tự túc ít nhất 20% nhu cầu điện cho sản xuất. Đặc biệt, để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Bộ đề nghị Hiệp hội Xi măng điều phối, tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị xuất khẩu, đưa ra giá thống nhất, tránh sự cạnh tranh gây bất lợi cho xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, với chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tập trung tái cơ cấu kinh tế, nhất là lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại; tăng trưởng GDP dự báo khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư xã hội bằng 30% GDP, chỉ số CPI tăng 7% và nhất là thị trường BĐS khó khởi sắc trong năm nay, thì việc dự báo mức tăng sản lượng tiêu thụ xi măng 1,5 - 3% là phù hợp. Vì vậy, ngoài tăng cường tìm thị trường mới, thì cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm định mức về năng lượng, nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm là những giải pháp quan trọng đối với ngành xi măng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ phải cân đối nguồn lực để lựa chọn sản phẩm hiệu quả nhất, thêm dòng sản phẩm đặc thù để tạo sự khác biệt... Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tuân thủ chính sách giá phù hợp thị trường và nguyên tắc phối hợp thị trường, không sử dụng khuyến mãi như công cụ giảm giá mà chuyển sang tạo lợi ích cho nhà phân phối, đầu mối, cửa hàng vật liệu và người tiêu dùng.

Tình trạng khó khăn cũng thể hiện qua giá trị vốn đầu tư thực hiện. Thống kê cho thấy, chỉ riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, giá trị đầu tư thực hiện năm 2013 chỉ bằng 63% kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực xi măng có 13 dự án, với kế hoạch đầu tư 3.868 tỷ đồng, nhưng giá trị thực hiện chỉ đạt 941 tỷ đồng. 

CFC - Hà Nội mới

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.