Tin trong nước

Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng: Kiến thức VLXD ngày càng cần thiết

20/11/2012 - 03:00 CH

Qua hơn 55 năm đào tạo, Khoa VLXD, trường Đại học Xây dựng đã có gần 2.000 kỹ sư tốt nghiệp và hàng trăm thạc sỹ và tiến sỹ. Hiện tại, Khoa đang đào tạo khoảng 1.000 sinh viên, trong đó đại học có 5 khóa chính quy, 2 lớp hệ vừa học vừa làm và 2 lớp liên thông và các kỹ sư học bằng 2. Hệ sau đại học có 2 lớp cao học và 5 nghiên cứu sinh. Kỹ sư ngành công nghệ VLXD hiện có mặt ở hầu hết các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước cũng như ở cơ quan trung ương, địa phương... đã phần nào khẳng định vai trò quan trọng của Khoa VLXD đối với sự nghiệp CNH,HĐH nước nhà.
Đào tạo cơ bản và chuyên sâu

Từ khi thành lập, Khoa VLXD đã xây dựng mục tiêu đào tạo cho kỹ sư VLXD những kiến thức cả về cơ bản và mở rộng, am hiểu sâu về cấu trúc, tính chất VLXD cũng như các phương pháp, công nghệ chế tạo VLXD, các kiến thức về tổ chức quản lý trong các lĩnh vực, như: Công nghệ bê tông, công nghệ gốm - thủy tinh xây dựng, công nghệ chất kết dính vô cơ... có khả năng đáp ứng với yêu cầu công việc ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau, như hoạt động tại các cơ quan quản lý xây dựng, cơ quan tư vấn - giám sát, các nhà máy sản xuất VLXD cũng như các viện thiết kế, nghiên cứu và cả giảng dạy ở các cơ sở giáo dục - đào tạo về lĩnh vực VLXD.

Hai lĩnh vực chuyên môn quan trọng nhất, là cơ sở cho chiến lược đào tạo và phát triển, là mảng khoa học vật liệu mang nhiều tính lý thuyết và công nghệ vật liệu mang tính ứng dụng. Nếu như khoa học vật liệu được coi là hướng đi tạo sự chuyển biến, tiến bộ trong các phát minh ra VLXD mới thì công nghệ vật liệu là khoa học ứng dụng thực tiễn. Hai lĩnh vực này đồng thời phát triển mới tạo cơ sở cho xây dựng cơ bản phát triển vững chắc. "Sinh viên Khoa VLXD có trang bị ngoài các kiến thức chung được chú ý đào tạo hai khối kiến thức về hóa học và cơ học. Trong đó, việc đào tạo được chú trọng cả đào tạo kỹ sư và kỹ sư chất lượng cao để vừa đáp ứng lực lượng lao động tri thức cần thiết theo yêu cầu của thực tế và vừa tạo lực lượng hạt nhân để phát triển ngành. Tuy nhiên, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng thực tế là yêu cầu hàng đầu và quan trọng nhất", PGS. TS Phạm Hữu Hanh - Trưởng khoa VLXD, trường Đại học Xây dựng cho biết.

Trong đào tạo, nghiên cứu khoa học được đặc biệt coi trọng vì đây là cơ sở giúp gắn liền giữa lý thuyết và thực tế, góp phần đào tạo sau đại học và kỹ sư chất lượng cao. Đến nay, các thế hệ thầy, trò Khoa VLXD đã có liên kết với rất nhiều trường đại học trên thế giới và các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam. Trong đó, nổi bật là dự án VH21 với Vương quốc Hà Lan đào tạo được 2 tiến sỹ và góp phần đào tạo hàng trăm thạc sỹ và kỹ sư. Đặc biệt, hiện nay khoa đang hợp tác với 3 trường ĐH ở Anh, là các trường: ĐH Louborough, ĐH Liverpool, ĐH Queen Bespast trong dự án về phát triển xây dựng bền vững. Khoa đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng thành công vào các công trình cụ thể ở Việt Petro, các công trình thủy điện, nhà cao tàng, cầu nhịp lớn… và hàng trăm đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp thành phố, cấp trường...

Kiến thức VLXD ngày càng cần thiết

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, ngành VLXD ngày càng được chú trọng quan tâm, khi mà Nhà nước cũng như người dân thấy sự cần thiết phải hiểu biết đầy đủ về VLXD. "Ở tầm vĩ mô, giá thành vật liệu chiếm 60 - 70% giá trị công trình, rồi những mối liên quan với môi trường, giá nhân công... Trong khi đó, cá nhân mỗi người, nhất là với người làm xây dựng đã nhận thấy cần thiết phải học và biết về vật liệu. Nếu kỹ sư xây dựng mà không biết về vật liệu thì sẽ rất nguy hiểm cho các công trình... Chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi phần lớn các cán bộ đầu ngành về vật liệu từ Nam ra Bắc của các trường đại học, các viện đều tham gia vào công tác của Khoa" - Thầy Hanh nói.

Trong xây dựng truyền thống, kiến thức về VLXD dường như chỉ là thứ yếu, khi mà kinh nghiệm "Trăm hay không bằng tay quen" của người thợ giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, trong thời đại của công nghệ và thông tin bùng nổ như hiện nay, các công trình đồ sộ hàng trăm tầng dần trở nên phổ biến hay những chiếc cầu dài hàng chục kilômét thì những kỹ năng "tay quen" của các thợ nề chưa qua đào tạo không thể đảm đương. Thay vào đó, xu thế thời đại đòi hỏi lớp kỹ sư xây dựng phải có kiến thức chuyên ngành, hiểu biết về VLXD, có khả năng nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu mới ngày càng có tính năng tối ưu về độ bền, cứng cũng như chống, chịu lực.

PGS.TS Phạm Hữu Hanh bày tỏ niềm vui khi xã hội ngày càng quan tâm lớn hơn đến vai trò của ngành vật liệu xây dựng và tạo tiền đề cho thế hệ trẻ thêm yêu nghề. Thầy cũng bày tỏ quan điểm rằng: "Chỉ những vật liệu tốt và sử dụng nó hợp lý mới làm nên công trình chất lượng" - Có thể nói đây cũng chính là phương châm đào tạo và đích đến cuối cùng của Khoa VLXD, trường Đại học Xây dựng đã và đang hướng đến trong quá trình dựng xây và phát triển của mình.

Theo Báo Xây dựng điện tử

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.