Phát triển vật liệu không nung

Phát triển VLXKN từ tro xỉ nhiệt điện than: Bài 2: Gỡ khó cho vật liệu xây không nung

26/11/2015 - 03:45 CH

Hướng đi căn cơ, bền vững nhất hiện nay đối với việc xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) là tận dụng để sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN). Mặc dù đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành khá đầy đủ các chính sách phát triển loại vật liệu này, nhưng thực tế áp dụng còn gặp nhiều khó khăn.

Bài 2: GỠ KHÓ CHO VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG


>> Bài 1: Cấp thiết xử lý tro xỉ

Kích cầu vật liệu xây không nung

Là đơn vị có nhiều Nhà máy nhiệt điện than nhất đang hoạt động, vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế ưu tiên sử dụng các loại VLXKN; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sớm có lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên sử dụng vật liệu bê tông nhẹ từ tro xỉ cho các nhà cao tầng; hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về thiết bị xử lý tro xỉ; ưu tiên dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp…

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Cao Cường Kiều Văn Mát chia sẻ, thực ra, chính sách của Chính phủ về khuyến khích sử dụng VLXKN là khá đầy đủ, điển hình là các Quyết định 567/QĐ-TTg và 1696/QĐ-TTg, hay Chỉ thị 10/CT-TTg. Vấn đề là áp dụng vào thực tiễn và cơ chế giám sát, chế tài thực hiện chưa chặt chẽ, hiệu quả. Theo tính toán của công ty, VLXKN có rất nhiều lợi thế so vật liệu truyền thống như cùng một diện tích tường xây thì giá thành tường xây bằng tấm pa-nen gạch bê-tông chưng áp (AAC) chỉ bằng 80% so gạch đỏ nếu tính cả trát tường, thời gian thi công nhanh gấp năm đến sáu lần, thời gian thi công lắp đặt điện nước nhanh gấp ba lần, tiết kiệm 20-25% cọc và móng do giảm trọng lượng khối xây; diện tích dây chuyền sản xuất chỉ bằng 1/20 diện tích các hồ chứa, bãi chứa tro xỉ… Với những ưu điểm như vậy thì cần đẩy nhanh hơn việc sử dụng VLXKN. Ông Kiều Văn Mát khẳng định, nếu giá mua tro xỉ thải được giảm xuống, thì chắc chắn sản phẩm VLXKN sẽ cạnh tranh hơn, qua đó mới góp phần kích cầu sản phẩm mới này.

Về giá tro xỉ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại Nguyễn Văn Thủy chia sẻ, đúng là tro xỉ mà bán rẻ, hoặc cho không các đơn vị sản xuất VLXD thì chắc chắn sẽ khuyến khích phát triển VLXKN. Nhiệm vụ và doanh thu chính của các Nhà máy nhiệt điện như Phả Lại là từ phát điện chứ không phải trông vào tiền bán tro xỉ. Tuy nhiên, đối với giá bán tro xỉ, công ty phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, bởi vì nhiều đơn vị đến mua phải đấu giá công khai trên cơ sở thuê công ty tư vấn bên ngoài định giá chứ công ty không có quyền tự định giá, chưa kể thanh tra, kiểm toán thường xuyên giám sát, kiểm tra. Giá bán hiện nay đang cao (90 nghìn đồng/tấn tro), bỗng dưng lại bán với giá thấp hơn là “có vấn đề” ngay. Theo Giám đốc Công ty CP bê-tông khí Viglacera Nguyễn Quang Trung, tâm lý sử dụng gạch nung truyền thống đã “ăn sâu” trong người tiêu dùng, kể cả người hiểu biết về xây dựng. Đây là khó khăn lớn nhất cản trở việc sử dụng gạch không nung ở quy mô đại trà. Do vậy, cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về ưu điểm vượt trội của các loại gạch không nung, đồng thời tăng cường các chính sách ưu đãi phát triển loại vật liệu mới này, nhằm từng bước hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

 



Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nhằm đẩy nhanh việc sản xuất tiêu thụ VLXKN, các cơ chế chính sách không nên chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, mà cần mạnh tay hơn trong việc bắt buộc sử dụng loại vật liệu này. Theo Thông tư 09/TT-BXD, đầu năm 2016 là hạn chót để các công trình từ chín tầng trở lên sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng 100% VLXKN và tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây) đối với các dự án không phân biệt nguồn vốn. Do vậy, công tác rà soát, tăng cường kiểm tra việc sử dụng loại vật liệu này hết sức cần thiết, ngay từ khâu thiết kế, tư vấn, giám sát công trình. Bên cạnh đó, chương trình xóa bỏ lò gạch thủ công cần thực hiện quyết liệt hơn. Để làm được điều này, vai trò của các địa phương rất quan trọng. Nhiều địa phương đã sẵn sàng đồng hành cùng các DN sản xuất VLXKN trong việc tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng vật liệu này, như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, một số địa phương có nhiều cách làm hay, cần được nhân rộng, như tại Thái Bình, các cấp chính quyền đã họp bàn với các chủ lò gạch thủ công, cùng tìm giải pháp, chuyển đổi các lò gạch này sang sản xuất các đồ sành, sứ, bát, đĩa. Theo ông Kiều Văn Mát, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi cụ thể (thuế, đất đai…) đối với các DN xử lý tro xỉ thải; hướng dẫn, hỗ trợ DN hoàn thiện các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ xử lý tro xỉ thải và ứng dụng các dây chuyền này vào các Nhà máy nhiệt điện than; xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn tro xỉ thải…

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương nắm bắt tình hình và quán triệt triển khai Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các Nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD, đồng thời thành lập Đoàn công tác kiểm tra tình hình xử lý tro xỉ của các Nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải. Bộ Xây dựng kiến nghị, trong ba đến năm năm tới, cần sử dụng ít nhất sáu đến tám triệu tấn tro bay, ưu tiên sử dụng tro của các Nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm cho sản xuất VLXD, mục tiêu tới năm 2020 nâng tỷ lệ sử dụng 10 đến 12 triệu tấn sử dụng tro bay để sản xuất VLXD, như: nguyên liệu thay thế một phần đất sét trong sản xuất gạch nung, xi măng; vật liệu gia cố nền đất, san lấp, đắp đất, vật liệu làm đường, nền đường, bê-tông nhựa; vật liệu tầng thoát nước...

Theo Phó Vụ trưởng VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đối với tro, xỉ sử dụng sản xuất VLXD và các lĩnh vực khác. Làm rõ các chỉ tiêu chất lượng cụ thể ứng với từng lĩnh vực sử dụng như tại một số lĩnh vực sử dụng không cần xử lý giảm hàm lượng than chưa cháy, hay không cần sấy khô. Đầu tư nghiên cứu công nghệ xử lý tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện đồng bộ tách xỉ đáy lò, tách tro bay, tách than chưa cháy và bọt để hạn chế việc gộp các chất thải này ra hồ chứa. Nghiên cứu cơ chế, chính sách, định mức kinh tế-kỹ thuật, tạo điều kiện đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ. Chẳng hạn, không thu tiền hoặc hỗ trợ đối với các khách hàng có nhu cầu tiêu thụ tro, xỉ thải ngay tại Nhà máy nhiệt điện, tạo điều kiện lắp hệ thống thiết bị thu gom, tách tro xỉ ngay tại Nhà máy nhiệt điện, trực tiếp xử lý tro thải nếu không tìm được nhà đầu tư xử lý; xã hội hóa công tác thu gom, xử lý tro thải trên nguyên tắc có ưu đãi về thuế, lãi vay…

Bộ Công Thương với vai trò cấp phép các dự án nhiệt điện cần có giải pháp cân đối, hợp lý để các Nhà máy nhiệt điện đặt gần các nhà máy xi-măng, VLXKN hoặc ngược lại, nhằm tận dụng các sản phẩm của nhau. Sắp tới, nhiều Nhà máy nhiệt điện đã và đang được xây dựng trên cả nước, đồng nghĩa với nguồn tro xỉ thải tăng mạnh. Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và DN, các nguồn phế thải này sẽ được tận dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các tiêu chuẩn bảo đảm môi trường của các Nhà máy nhiệt điện, nhất là khâu thải tro xỉ; xử lý nghiêm những Nhà máy nhiệt điện không tuân thủ quy định, làm ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.

 

Theo Nhân dân

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.