Doanh nghiệp

Lợi nhuận sụt giảm, doanh nghiệp thép trong nước khó đứng vững

05/06/2019 - 03:08 CH

Động thái mới đây từ Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời dao động từ 2,46% – 38,58% đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chưa làm các doanh nghiệp thép nội hết lo lắng khi lợi nhuận liên tục sụt giảm, thậm chí chịu lỗ.
Đối mặt thua lỗ

Nếu xét riêng ở phân khúc nhôm, như thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn cả chi phí sản xuất, khiến cho ngành sản xuất nhôm trong nước của Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề thời gian qua.

Điều này thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.


"Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo kịp thời các cơ quan liên quan theo dõi, ngăn chặn nhôm nhập khẩu chất lượng thấp, giá rẻ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất nhôm trong nước", Cục Phòng vệ thương mại cho biết.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.

Không chỉ với nhôm thanh đùn, ở những phân khúc khác của ngành thép, doanh nghiệp nội đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ thép nhập và giành giật thị phần giữa các công ty thép vẫn diễn ra hết sức khốc liệt.

Đơn cử như ở phân khúc tôn mạ, sự cạnh tranh thị phần giữa các công ty thép đang diễn ra hết sức gay gắt. Nhiều công ty từ chỗ chiếm vị trí tương đối lớn trên thị trường, nay đã phải nhường lại cho một số công ty khác có năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Điển hình là Tôn Hoa Sen, tuy là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn về tiêu thụ tôn mạ ở trong nước, nhưng trong quý II/2019, doanh thu thuần của Tập đoàn chỉ đạt 6.911 tỷ đồng, giảm mạnh 751 tỷ đồng và giá vốn bán hàng đạt gần 6.129 tỷ đồng, giảm đến 469 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù thời gian gần đây, doanh nghiệp này tái cấu trúc lại hệ thống phân phối, giải thể tổng cộng 199 chi nhánh trực thuộc và 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng việc cải thiện lợi nhuận từ việc sản xuất kinh doanh thép vẫn là dấu hỏi lớn.

Báo cáo trong quý I/2019 vừa qua cũng cho thấy một số doanh nghiệp thép trong nước thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận: Công ty CP Thép Việt Ý (VIS) lỗ trước thuế 33,6 tỷ đồng, Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) báo lỗ 102 tỷ đồng. Hoặc như Công ty CP Thép Pomina (POM) giảm lợi nhuận đến 94%, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm 16,7%…

Tăng khả năng cạnh tranh

Theo giới phân tích, những tháng đầu năm nay, điều kiện thị trường tiêu thụ kém khả quan khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp, các doanh nghiệp thép không thể chuyển mức tăng chi phí nguyên liệu vào giá bán. Điển hình là trường hợp các doanh nghiệp ở phân khúc tôn mạ đã đảo chiều một cách nhanh chóng.

Về giá bán, theo Bộ Công Thương, sau biến động tăng giá điện vào tháng 3 và giá xăng dầu tăng hai đợt trong tháng 4 đã ảnh hưởng đến giá đầu vào của sản xuất, nên nhiều doanh nghiệp thép tiến hành điều chỉnh tăng giá sắt, thép từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

Trên thực tế, chính áp lực cạnh tranh trong ngành thép như hiện nay được cho là "liều thuốc" hữu hiệu để loại bỏ các công ty yếu kém và cũng qua đó tạo động lực để các công ty thép nội cải tiến quy trình hoạt động, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm có thể tồn tại.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp thép vẫn đang vất vả để giảm lỗ hoặc cải thiện lợi nhuận, tình hình xuất khẩu thép vẫn được đánh giá là khả quan. Tính riêng 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,766 triệu tấn thép, tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm đạt hơn 1,8 tỷ USD.

Theo chia sẻ của ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (liên doanh sản xuất thép giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu), các doanh nghiệp thép cần tự mình xoay xở, tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu mới.

Theo ông Nhựt, doanh nghiệp cần cố gắng đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng như châu Phi, Ca-ri-bê và Nam Mỹ. Đặc biệt là cần tạo ra các giá trị bằng những công nghệ đột phá và các dòng sản phẩm mới tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác biệt.

Với thị trường thép trong nước, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể phải giữ mức giá vừa phải để giúp tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập nhằm tiếp tục thu hút khách hàng trong các lĩnh vực cơ khí, xây dựng. Giá cạnh tranh là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn và khả năng giành thị phần của các doanh nghiệp thép trong lúc này.

Động thái phòng vệ thương mại, chống bán phá giá như hiện nay có thể sẽ tạo ra một số chuyển biến trên thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp cần tận dụng tối đa từ việc chú trọng cải tiến kỹ thuật, tối thiểu hóa chi phí sản xuất, dẫn đến khả năng giữ mức giá cạnh tranh hơn.

VLXD.org (TH/ BVSC)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.