Bài học kinh nghiệm

Vốn FDI trở thành điểm tựa đối với các nhà thầu xây dựng

29/08/2022 - 05:50 CH

Dù được đánh giá không thể trở thành chiếc “đòn gánh” cho cả thị trường, nhưng FDI đang trở thành điểm tựa rất quan trọng đối với các nhà thầu xây dựng trong nước vốn đang rơi vào cảnh “càng làm, càng lỗ”.
>> 5 kiến nghị của doanh nghiệp ngành xây dựng
>> Doanh nghiệp xây dựng ứng phó với tình trạng nguyên vật liệu tăng giá liên tiếp
>> Doanh nghiệp đá xây dựng: Lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh cốt lõi

Khó khăn về thị trường, giá vật liệu xây dựng, cùng các khoản nợ đọng khổng lồ đang đẩy nhiều nhà thầu xây dựng rơi vào thế “càng làm càng lỗ”. Giữa hàng loạt gánh nặng, vốn FDI đang được đánh giá là chiếc “đòn gánh” cho các doanh nghiệp xây dựng trong nước.
 

Số liệu mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, bất động sản đứng thứ hai trong số các ngành thu hút vốn FDI lớn nhất, với tổng giá trị hơn 3,3 tỷ USD (chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký), chỉ đứng sau ngành chế biến chế tạo đạt trên 10,7 tỷ USD.

Theo dự báo của chuyên gia, trong thời gian tới, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào lĩnh vực bất động sản. Bởi, dư địa phát triển của thị trường vẫn còn rất lớn khi quy mô dân số hơn 98 triệu người nhưng tỷ lệ đô thị hóa vẫn chưa cao (35,7%, thấp hơn so với Thái Lan 51,43%, Trung Quốc 63,9%).

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu sở hữu và ở thực rất cao trong khi nguồn cung không nhiều, cộng thêm việc tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, khiến bất động sản nhà ở tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, việc FDI vẫn tăng là điểm sáng của thị trường bất động sản thời gian qua. Đặc biệt, dù được đánh giá không thể trở thành chiếc “đòn gánh” cho cả thị trường, nhưng FDI đang trở thành điểm tựa rất quan trọng đối với các nhà thầu xây dựng trong nước vốn đang rơi vào cảnh “càng làm, càng lỗ”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chia sẻ trong 6 tháng đầu năm, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu. Điểm sáng hiếm hoi của ngành trong thời gian qua là nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam giúp triển vọng trong năm nay khả quan hơn.

“Những doanh nghiệp như Vinaconex đang có tới 80% công việc nằm ở các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Dự án FDI có thể coi là lối thoát quan trọng cho doanh nghiệp trong tình cảnh khó khăn chồng chất hiện tại”, ông Hiệp nói.

Ví dụ điển hình nhất chứng minh dòng vốn FDI đang là “cứu cánh” cho các nhà thầu xây dựng lớn là trường hợp của Coteccons. Việc thắng thầu dự án của “gã khổng lồ” LEGO có giá trị lên tới 1 tỷ USD được đánh giá sẽ mang lại những dấu hiệu khởi sắc, tích cực cho Coteccons sau 2 năm bắt đầu quá trình tái cấu trúc.

Với vai trò tổng thầu, Coteccons sẽ đảm nhiệm toàn bộ các hạng mục xây dựng, kết cấu, cơ điện và hoàn thiện cho phân khu 1-5 với diện tích sàn xây dựng lên đến 163.000 m2. Gói thầu bao gồm một tòa nhà văn phòng, trung tâm năng lượng, tòa nhà đúc khuôn và dịch vụ, cơ sở đóng gói, nhà kho High Bay và toàn bộ cơ sở hạ tầng ngoài trời, các tiện ích vành đai, khu vực giữ xe, cảnh quan…

Đánh giá cao vai trò của các dự án FDI trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận dòng vốn này chỉ là lối thoát cho những doanh nghiệp lớn. Trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh đang “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”.

VXLD.org (TH/ vnbusiness)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.