Bài học kinh nghiệm

Doanh nghiệp gốm sứ tăng giá bán đẩy lượng tồn kho tăng cao

22/07/2022 - 09:07 SA

Các doanh nghiệp (DN) toàn ngành gốm sứ xây dựng đã đồng loạt tăng giá khiến cho lượng sản phẩm gốm sứ xây dựng tồn kho tăng cao.
>> Doanh nghiệp gốm sứ xây dựng chủ động tìm hướng khắc phục khó khăn
>> Cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng gốm sứ xây dựng Việt Nam sau đại dịch
>> Nguyên liệu cho sản xuất gốm sứ - kính xây dựng: Hiện trạng và định hướng sử dụng

Để góp phần bù đắp thua lỗ, từ cuối năm 2021, các DN toàn ngành gốm sứ xây dựng đã đồng loạt tăng giá từ 3 - 15% với tất cả sản phẩm đang sản xuất và tiêu thụ ở các công ty. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các loại giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất lại tiếp tục tăng giá, có loại tăng tới 20 – 30%, thị trường bất động sản suy yếu nên sản phẩm gốm sứ xây dựng vẫn ứ đọng, đẩy lượng tồn kho tăng cao.
 

Đại diện Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) thông tin, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, ngành gạch ốp lát gặp nhiều khó khăn, sản xuất chỉ đạt khoảng 50 - 55% tổng công suất lắp đặt. Sản lượng gạch ốp lát đạt khoảng 350 - 370 triệu mét vuông, trong đó gạch kích thước 50 x 50cm trở lên chiếm trên 50%. Gạch cotto và gạch lát đất sét nung đạt 28 - 30 triệu mét vuông. Với sản phẩm gạch cotto ceramic, sản lượng sản xuất của loại vật liệu này là 7,5 - 8 triệu mét vuông.

Lượng tồn kho năm 2021 với gạch ốp lát khoảng 80 triệu mét vuông, cũng vì do dịch bệnh và giãn cách xã hội. Các sản phẩm khác cũng tồn kho từ 15 – 20%. "Từ nay đến cuối năm phải tiêu thụ hết lượng tồn kho này để đón lượng tồn kho mới của năm 2022. Nếu lượng tồn kho cũ không giải tỏa được thì ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của năm là không tránh khỏi do tồn kho càng để lâu càng tụt giá" - đại diện VIBCA cho hay.

Tổng Giám đốc Công ty sứ Ceravi Phạm Thị Tùng Điệp chia sẻ, khó khăn DN đang đối mặt như giá nhiên liệu than tăng, vấn đề lao động thiếu do đặc thù ngành gốm sứ nặng nhọc khó thu hút, thiếu nguồn cung đất sét cũng như chi phí nguyên liệu tăng cao.

"Công ty đã tăng giá lần 3 để cân bằng chi phí nhưng tiêu thụ kém, tồn kho tới 3 tháng sản xuất trong khi đó xuất khẩu gặp khó do giá bán thấp. Bên cạnh đó còn có sự tranh bán giữa các nhà sản xuất trong nước dẫn đến bị ép giá xuất khẩu thấp hơn" - bà Phạm Thị Tùng Điệp cho biết.

Trong khi đó, nhiều DN cũng bổ sung thêm, giá than đã tăng gấp đôi so với thời kỳ đầu năm và dự báo tiếp tục tăng, thị trường gạch ốp lát cung vượt cầu buộc các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau về giá, nhiều DN không mạnh vốn lưu thông phải tìm cách giảm giá đẩy hàng để giải quyết bài toán tài chính và hàng tồn kho.

Trong khi đó, các đại lý hạn chế nhập hàng mới, do sức mua giảm mạnh bởi giá nguyên vật liệu tăng "sốc" từ đầu năm dẫn tới nhiều dự án, nhà ở người dân đều dừng lại, lượng tiêu thụ giảm. Theo ông Huy, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), hiện nay tồn kho của cửa hàng chỉ vừa đủ để đáp ứng cho những đơn hàng đã đặt trước.

"Nhiều dự án, nhà của người dân trước tình trạng "bão giá" VLXD đã tạm thời dừng hoặc giãn tiến độ, chưa thi công nên lượng tồn kho của chúng tôi chỉ để lại những đơn hàng đó. Tôi không dám nhập mới do từ đầu năm đến nay giá các loại gạch ốp lát, gốm sứ xây dựng tăng 3 lần" - ông Huy nói.

VLXD.org (TH/ kinhtedothi)

 

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.