Vật liệu & Cuộc sống

Mẹo nhỏ khắc phục những bất tiện của vật dụng nội thất

04/10/2014 - 05:07 CH

Trong thực tế, có những vật dụng nội thất trong gia đình khi lựa chọn bạn bạn chỉ quan tâm đến tính thẩm mĩ mà không để ý tới những bất tiện của chúng khi sử dụng. Vậy khắc phục những bất tiện này như thế nào? dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn.
1. Bồn rửa bằng sứ: Dễ làm vỡ bát đĩa



Đây là mối quan ngại hàng đầu của những bà nội trợ. Bồn bếp bằng sứ quả là đẹp thật nhưng do độ cứng cao nên khi va chạm với những đồ dùng nhà bếp bằng sứ hoặc thủy tinh thì  sẽ dễ làm vỡ những thứ đồ này. Và nhất là khi trượt tay đánh rơi những chiếc cốc vào bồn thì xác xuất giữ được những chiếc cốc này là rất bé.

Khắc phục:
Đặt những tấm lót bằng nhựa mềm xuống đáy bồn, tổn thất sẽ được giảm đi đáng kể. Và để giảm trơn trượt cũng như bảo vệ làn da tay khi rửa bát bạn nên sử dụng găng tay cao su có chống trượt.

Kinh nghiệm:
Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi đầu tư. Nên thay thế những chiếc bồn đẹp mã này bằng những chiếc bồn inox hay đồng thau tiện dụng hơn

2. Kệ tủ sành điệu: Dễ bị trầy xước


 
Những chiếc kệ tủ bằng inox sành điệu và gọn gàng nhưng vẫn thường xuất hiện những vết xước do đáy nồi tạo ra. Bề mặt kim loại càng bóng thì vết xước càng rõ.

Khắc phục:
Sử dụng những chất đánh bóng bề mặt kim loại để làm mờ những vết xước và đưa bề mặt bóng trở lại.

Kinh nghiệm:
Bảo vệ lớp bề mặt kim loại bằng những lớp màng nhựa mỏng. Hoặc có thể dán decals cho bề mặt trước khi đưa vào sử dụng.

3. Bếp công suất lớn: Tỏa nhiệt nhiều



Những chiếc bếp ga công suất lớn giúp bạn nấu nướng nhanh hơn nhưng đồng thời cũng tỏa ra nhiều nhiệt lượng dư. Lượng nhiệt này làm nóng không gian xung quanh và bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi phải vào bếp do quá nóng nực.

Khắc phục: Mở cửa thông thoáng và bật quạt cho đỡ nóng. Lưu ý tránh để quạt quay trực tiếp vào bếp làm tạt ngọn lửa, vừa tốn nhiệt lại vừa nguy hiểm. Lắp thêm quạt hút trong trường hợp này là tiện nhất.

Kinh nghiệm: Chọn những loại bếp có công suất vừa phải, mâm chia lửa không quá lớn. Quạt hút lắp đúng tầm để nâng hiệu quả hút khói đồng thời giảm nhiệt độ môi trường.

4. Bàn bếp đá cẩm thạch sang trọng:
dễ bám bẩn



Đá cẩm thạch dùng làm bàn bếp rất sang trọng những cũng yêu cầu một chế độ bảo dưỡng khắc nghiệt. Bề mặt của loại đá quý tộc này rất dễ in lại những dấu vết của những giọt rượu vang hay những giọt nước hoa quả nếu không lau chùi kịp thời.

Khắc phục: Các vết bẩn nói trên đều mang tính a xít, chúng sẽ có phản ứng ngay với mặt đá mang tính kiềm. Giải pháp tốt nhất là lau nước ngay khi bị dây bẩn, còn nếu phát hiện ra khi vết bẩn đã ngả màu thì phải dùng dung dịch đặc hiệu mới tẩy được.

Kinh nghiệm: Nếu không quá cầu kỳ đến mức phải bắt buộc có đá cẩm thạch thì bạn có thể lựa chọn các loại đá công nghiệp cao cấp. Loại đá này có những sản phẩm chống bám bẩn rất tốt.

5. Tủ lạnh lớn: để đâu cũng thừa



Bạn mới tậu một chiếc tủ lạnh hiện đại và đủ rộng rãi cho cả đại gia đình. Các thành viên trong gia đình đều háo hức với món đồ mong đợi bấy nay. nhưng một điều mà bạn không lường trước được khi xem hàng ở showroom là tủ bếp bạn toàn những chiếc có kích thước vừa phải, và bạn không thể kiếm được chỗ để chiếc tủ lạnh sao cho vừa mắt. Những chiếc tay cầm khổng lồ, đường ống nước cho tủ đá và ngăn làm nước mát, rồi cả đống dây nhợ loằng ngoằng nữa, không biết nhét vào đâu cho gọn.

Khắc phục: Bạn cần làm thêm một hộp điện phía sau tủ để có thể đẩy tủ vào sát tường hơn, bỏ bớt những chiếc chân đế cồng kềnh không cần thiết hoặc bố trí vào những hốc tường, có thể phải hơi xa vị trí dự kiến một chút.

Kinh nghiệm:
Hãy đo kích thước vị trí đặt tủ trước khi đến cửa hàng, có nhiều mẫu mã với những kích thước khác nhau cho bạn chọn. Ngay cả những chiếc tủ có cùng dung tích cũng được thiết kế với nhiều kích thước khác nhau.

6. Tủ bếp bóng lộn: dễ hằn dấu tay



Tủ bếp bóng lộn trong rất đẹp, nhưng có những bất tiện khi đụng vào chỗ nào cũng để lại những dấu vân tay, lau rất khó sạch.

Khắc phục:
Những vết dấu tay này được thể hiện rõ là do lớp sơn phủ ngoài cùng của vật liệu làm tủ, có một số chủng loại sơn có đặc tính lưu lại những vết tay chỉ được dùng để sơn lót nhưng do nhà sản xuất nhầm lẫn hoặc không hiểu biết mà sử dụng làm sơn phủ. Trong trường hợp như thế này nếu dùng loại vải thông thường để lau sẽ khó đi mà lại dễ làm xước bề mặt sơn, mất thẩm mỹ của sản phẩm. Loại vải lau phù hợp là loại vải được dệt từ các vi sợi (sợi có kích thước micromet), hiện có bán nhiều và được biết dưới tên "khăn lau màn hình LCD"

Kinh nghiệm: Khi mua tủ cần thử ngay đặc tính này ngoài cửa hàng để tránh trường hợp tương tự, hoặc mua ở những cơ sở có uy tín, có kinh nghiệm trong việc sử dụng các hóa chất hoàn thiện.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.