Bê tông

Bê tông tổ ong - Vật liệu hiệu quả trong tương lai (P2)

13/11/2017 - 03:39 CH

Bê tông tổ ong có thể là xu thế vật liệu mới tại Việt Nam trong tương  lai.  Ở các nước phát triển trên Thế  giới, bê tông tổ ong đã có lịch sử phát triển gần 100 năm. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã ứng dụng sản phẩm này từ thập kỷ 90, còn ở Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trở lại từ năm 2010 đến nay.
>> Bê tông tổ ong - Vật liệu hiệu quả trong tương lai (P1)
>> Bê tông tổ ong - Vật liệu hiệu quả trong tương lai (P3)
>> Bê tông tổ ong - Vật liệu hiệu quả trong tương lai (P4)


2. Tình hình nghiên cứu và sử dụng bê tông tổ ong trên thế giới và ở Việt Nam

Bê tông bọt đã được phát triển đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển vào đầu những năm 1890. Ban đầu nó được biết đến như là bê tông khí, được sử dụng để sản xuất vật liệu cách nhiệt trong xây dựng. Từ đó, đã có nhiều loại bê tông tổ ong được phát triển như bê tông tổ ong bảo dưỡng tự nhiên, bê tông tổ ong được gia công nhiệt ẩm trong điều kiện nhiệt độ cao, áp suất thường và trong điều kiện chưng áp.

Năm 1922, Hydrogen peroxide H O được đề xuất làm chất tạo khí. Năm 1923, ở Đan Mạch người ta bắt đầu sản xuất bê tông bọt. Năm 1924, ở Thụy Điển bắt đầu sản xuất bê tông khí từ xi măng - vôi - cát và dùng bột nhôm làm chất tạo khí. Năm 1928, Ở Liên Xô cũ mới bắt đầu nghiên cứu triển khai sản xuất bê tông tổ ong bằng phương pháp tạo khí và tạo bọt, và đến nay công nghệ theo hướng này đã đạt đến trình độ cao.

Năm 1933, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã đưa ra công nghệ sản xuất bê tông khí bằng phương pháp chưng áp, sử dụng chất kết dính xi măng - vôi - cát nghiền. Ở Liên Xô, công nghệ tương tự chỉ mới triển khai vào năm 1939 ÷ 1940 ở Novoxibirsk và nhiều nơi khác. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, kỹ thuật này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, phần lớn là ở các nước Châu Âu và Liên Xô cũ. Sản phẩm áp dụng trong sản xuất panel kích thước lớn. Chúng được sử dụng tại các công trường xây dựng mới và các kết cấu cho nhà ít tầng.
 

Trong những năm 1950, người ta đã bắt đầu sản xuất đại trà bê tông khí mà đầu tiên được sản xuất ở Riga, sau đó nhiều nhà máy lớn sản xuất bê tông khí được xây dựng ở Matxcơva, XanhPetecbua, Sibêri có trang bị công nghệ ở trình độ cơ giới hóa cao.

Ngày nay, bê tông khí được phát triển mạnh ở các nước công nghiệp phát triển như: Đức, Séc, Mỹ, Ba Lan, Nga, Trung Quốc... ở trình độ công nghệ cao sử dụng nguyên vật liệu là xi măng - vôi - tro xỉ nghiền hoặc xi măng - vôi - cát nghiền, dưỡng hộ sản phẩm trong autoclave, công nghệ sản xuất được tự động hoá và cơ giới hóa và điều khiển trung tâm.

Ngoài ra, loại bê tông tổ ong với cấu trúc được làm từ bọt tạo sẵn (bê tông bọt) cũng được nhiều quốc gia có nền khoa học công nghệ cao như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật....

Ở Việt Nam, hiện nay, có rất nhiều đơn vị đã nghiên cứu ứng dụng bê tông khí như: Viện Khoa học Công nghệ Xây Dựng, Viện Vật liệu Xây Dựng, Viện Khoa học Thủy lợi, Viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải, Trường Đại học xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài các đơn vị nghiên trên đã có một số công ty đã và đang đầu tư sản xuất bê tông tổ ong như, Công ty CP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt, Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Khu công nghiệp Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Sản xuất Bê tông nhẹ và Xây dựng Thiên Giang, Tổng Công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng Viglacera. Riêng Công ty Vĩnh Đức thuộc Tập đoàn Thái Thịnh xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bảo Lộc – Lâm Đồng với công suất 100.000 m3/năm và nhà máy thứ 2 với tổng công suất lên đến 400.000 m3/năm đi vào hoạt động vào đầu năm 2014. Ngoài ra, còn rất nhiều các đơn vị sản xuất với quy mô nhỏ, thủ công và một số đơn vị đang trong giai đoạn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy bê tông nhẹ.

Hiện nay, sức cạnh tranh của bê tông tổ ong  so với các loại vật liệu khác như gạch nung còn chưa mạnh do thói quen của người sử dụng cũng như chưa có đầy đủ hệ thống các tiêu chuẩn, quy phạm hướng dẫn về tính toán kết cấu cũng như sử dụng loại vật liệu này. Tuy nhiên, với định hướng của chính phủ trong Quyết định số 567/ QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020; các tiêu chuẩn, quy phạm hướng dẫn sử dụng bê tông tổ ong và việc hoàn thiện phương pháp tính toán lại kết cấu công trình sử dụng bê tông nhẹ đã được ban hành, thì loại vật liệu này chắc chắn sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong ngành xây dựng.

Trong những năm gần đây, việc áp dụng bê tông tổ ong đã thể hiện rõ là một vật liệu hiệu quả thay thế các vật liệu thông dụng nhằm tiết kiệm năng lượng trong khai thác và sử dụng công trình, giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian xây dựng và giảm giá thành công trình. Cho đến nay, ngày càng có nhiều các công trình ở Việt Nam sử dụng bê tông tổ ong, tuy nhiên chủ yếu mới được dùng làm tường ngăn, lớp cách nhiệt và chống nóng.

Trong tương lai, công nghệ bê tông tổ ong sẽ được ứng dụng trong sản xuất các panen chịu lực, các cấu kiện có kích thước lớn. Để mở rộng phạm vi sử dụng bê tông tổ ong trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, việc đánh giá các đặc tính cơ lý, nhiệt của chúng cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa.

Theo TTKHKT Xi măng

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.