VLXD hoàn thiện

Gạch ốp lát trong nước dần lấy lại thị phần

20/12/2017 - 02:44 CH

Sản phẩm gạch ốp lát trong nước đang dần lấy lại sân nhà sau một thời gian dài bị hàng Trung Quốc lấn át. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn chưa qua với các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Giành lại sân nhà

Với lợi thế về chủng loại, phong phú về màu sắc, linh động về giá cả…, gạch ốp lát có xuất xứ từ Trung Quốc đã từng chiếm lĩnh thị trường nội địa cách đây vài năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người tiêu dùng đã dần chuyển sang sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5, TP.HCM) cho biết, mặc dù gạch ốp lát Trung Quốc có giá rẻ hơn hàng Việt Nam, nhưng chất lượng kém, nhanh xuống màu, không bền…, nên thời gian gần đây, người tiêu dùng ít lựa chọn.
 

Với mẫu mã, chất lượng và giá cả phong phú, gạch ốp lát nội đang dần lấy lại sân nhà.

“Cửa hàng tôi vẫn nhập hàng Trung Quốc về bán cho những ai có nhu cầu, nhưng doanh số của mặt hàng này nửa năm nay chỉ chiếm khoảng từ 5 - 10% doanh số cửa hàng”, anh Hiếu chia sẻ.

Tương tự, chị Vũ Lê Hoa, một người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng gạch ốp lát cho biết, trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay có tới hơn 20 thương hiệu gạch ốp lát “made in” Việt Nam. Hàng sản xuất trong nước hiện đã đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả hơn trước, đáp ứng mọi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Chị Hoa cho biết thêm, ở phân khúc bình dân có những thương hiệu Vitto, Vina Sky, Dacera, Mikado, Tasa… giá dao động từ 60.000 - 90.000 đồng/m2 tùy loại. Các sản phẩm của thương hiệu cao cấp hơn như Viglacera, Đồng Tâm, Bạch Mã… có giá từ 140.000 - 300.000 đồng/m2. Trong đó, những thương hiệu như Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn… được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA), cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp sản xất gạch men ốp lát với công suất gần 500 triệu m2/năm, qua đó đưa Việt Nam là nước đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản phẩm gạch ốp lát, đồng thời nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới.

“Để có được thành công này, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xất theo hướng chuyên biệt, sáng tạo mẫu má mới, hạ thấp giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm với hàng ngoại nhập”, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera cho biết.

Thách thức vẫn còn

Dù đã có sự trở lại khá mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng khó khăn vẫn chưa hết với các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát Việt Nam.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch VIBCA cho biết, hiện nay, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát rất khốc liệt, đặc biệt ở phân khúc gạch ceramic. Nguyên nhân là do tăng trưởng sản xuất đang mạnh hơn so với nhu cầu, tức đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu.

Để giành thị phần, các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhau, chưa kể phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điều này dẫn đến lợi nhuận biên của doanh nghiệp sẽ giảm theo thời gian. Nếu không có giải pháp lâu dài, doanh nghiệp có thể sẽ không còn lợi nhuận để tái đầu tư, đặc biệt không còn ngân sách để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ…

Một điểm yếu nữa của ngành gạch ốp lát Việt Nam, theo ông Bắc, là thiếu sự liên kết giữa các nhà tư vấn thiết kế, thi công, sản xuất và kinh doanh. Dẫn đến hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên thị trường, ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị sản xuất.

Chẳng hạn, nhiều dự án chung cư sử dụng gạch giá rẻ, chất lượng kém nhập từ Trung Quốc nhưng giới thiệu với người mua căn hộ là gạch được sản xuất trong nước của những công ty có thương hiệu lớn. Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp gạch ốp lát phải xây dựng mục tiêu, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

“Vấn đề hiện nay là mỗi doanh nghiệp phải đánh giá hiện trạng và khả năng cạnh tranh của mình; nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập, cũng như hướng tới thị trường xuất khẩu, thay vì cạnh tranh lẫn nhau bằng cách phá giá”, đại diện VIBCA khuyến nghị.
 
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.