Xi măng

Chính sách mới tác động mạnh đến xuất khẩu xi măng, clinker

22/10/2016 - 02:50 CH

Xi măng là một trong những ngành sản xuất công nghiệp phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn tài nguyên, khoáng sản và năng lượng sẵn có. Do đó, khi Chính phủ ban hành bất kỳ quy định, chính sách mới tác động đến nguồn tài nguyên, khoáng sản và năng lượng trong nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
>> Thị trường xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục dư cung trong 10 năm tới
>> Thị trường xi măng cuối năm: Có đạt đích 75 triệu tấn?
>> Philippin trở thành thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam

Những năm gần đây ngành xi măng Việt Nam đã chịu không ít áp lực về vấn đề sản xuất và tiêu thụ. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã mạnh dạn tìm kiếm các cơ hội tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu xi măng nhằm ổn định cán cân cung - cầu. 

5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm ngành xi măng xuất khẩu gần 20 triệu tấn xi măng và clinker. Đây được xem là giải pháp tình thế giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm áp lục tồn kho và mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đồng thời giúp bình ổn cán cân thương mại.

Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu xi măng khá ấn tượng trên bản đồ các nhà xuất khẩu xi măng hàng đầu Thế giới, với tốc độ bình quân đạt tới 260% trong giai đoạn 2009 - 2013. Năm 2014, ngành xi măng đã lập kỷ lục khi xuất khẩu gần 20,5 triệu tấn xi măng và clinker, đạt 912,1 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2015, xuất khẩu xi măng của cả nước lại giảm 19% so với năm 2014, nhưng sang 6 tháng đầu năm 2016, lượng xi măng xuất khẩu đạt 8,85 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2015. 
 
Chi phí tăng tạo áp lục lớn cho việc xuất khẩu xi măng và clinker của các doanh nghiệp.

Mục tiêu các doanh nghiệp sản xuất xi măng hiện nay là xuất khẩu xi măng mang yếu tố bền vững như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu chi phí tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm...

Mới đây nhất, từ 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành 02 luật thuế 106/2016/QH13; 107/2016/QH13 và 02 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP; 122/2016/NĐ-CP. 

Cụ thể, tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biếntừ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Theo ý kiến của một số nhà máy, khi thực hiện các luật thuế và Nghị định mới này sẽ tác động mạnh đến sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của các đơn vị sản xuất xi măng. Cụ thể,  chi phí xuất khẩu của các Công ty xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/ tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/ tấn) và tăng 7,5 USD/ tấn xi măng (theo giá FOB bình quân 50 USD/ tấn). Giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam khi đó sẽ rất khó có thể cạnh tranh với các nước có thế mạnh về xuất khẩu xi măng trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... thậm chí ngay cả Iran đang xuất khẩu với mức giá rất thấp.

Tính đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế ngành xi măng Việt Nam dự kiến khoảng 89 triệu tấn, tiêu thụ trong nước ước đạt 60 triệu tấn. Giai đoạn năm 2017 - 2020, công suất ngành xi măng sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án xi măng lớn đi vào vận hành. Nếu xuất khẩu xi măng và clinker gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt về giá như đã phân tích ở trên, thì ngành xi măng sẽ rơi vào tình trạng dư cung, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Trước tình hình tăng giá xuất khẩu do áp dụng một số chính sách mới của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã chủ động triển khai các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, khoáng sản, năng lượng trong nước. Một mặt, các doanh nghiệp thí điểm nhập khẩu than để sử dụng thay cho than trong nước. Mặt khác nghiên cứu lắp đạt các thiết bị thu hồi nhiệt khí thải để có thể tự cung cấp một phần điện năng, đồng  thời nghiên cứu xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp...

Bên cạnh đó, một số nhà máy, doanh nghiệp xi măng trong nước đã gửi văn bản gửi Hiệp hội Xi măng Việt Nam phản ánh đúng thực trạng cũng như khó khăn của các doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh, hoãn áp dụng các Nghị định, chính sách thuế đối với mặt hàng xi măng và clinker xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp xi măng ổn định sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong thời gian tới.

Nguồn: ximang.vn

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.