Sắt, Thép

Trung Quốc thay đổi chính sách thuế với ngành thép

07/05/2021 - 01:35 CH

Trong một nỗ lực kiềm chế hơn nữa sản lượng thép trong nước và sự tăng vọt về giá của quặng thép, Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản xuất thép, làm cho việc xuất khẩu thép của các nhà xuất khẩu nước này trở nên tốn kém hơn.
Theo đó, có hiệu lực từ ngày 1/5, phí nhập khẩu gang thỏi, phôi thép và thép phế liệu sẽ là 0. Đây là những nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép thay cho việc dùng quặng sắt để luyện thép trong lò cao. Đồng thời, việc hoàn thuế xuất khẩu thép cũng bị xóa bỏ. Mục đích của các động thái này, theo phía Trung Quốc giải thích, là để “giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu các nguồn lực thép và hỗ trợ việc giảm sản lượng thép thô trong nước”. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn khuyến khích nhập khẩu và giảm xuất khẩu thép.

Trước đó, Trung Quốc, nước sản xuất quá nửa sản lượng thép toàn cầu, đã cam kết giảm sản lượng thép năm nay như là một phần trong kế hoạch giảm phát thải carbon từ một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất.


Những thay đổi về thuế nói trên được thực hiện trong bối cảnh giá các nguyên liệu tăng vọt, với giá quặng sắt đã đạt đến các mức kỷ lục trong lịch sử. Ngoài biện pháp thuế, phí, các biện pháp hành chính cũng được áp dụng, như việc chính quyền Đường Sơn (thuôc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) yêu cầu 23 nhà sản xuất tại địa phương này phải cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 để giảm phát thải carbon 30 - 50%.

Thay đổi về thuế phí trên của Trung Quốc sẽ có tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu thép toàn cầu bởi vị thế đứng đầu của nước này trong sản xuất (gần 1 tỷ tấn thép thô năm 2019 trong tổng sản lượng thế giới 1,9 tỷ tấn năm), xuất khẩu (64 triệu tấn thép các loại năm 2019 trong tổng xuất khẩu 438 triệu tấn của thế giới) và nhập khẩu (1,1 tỷ tấn quặng sắt năm 2019 trên tổng nhập khẩu của thế giới là 1,6 tỷ tấn).

Trước mắt, việc cắt bỏ các khuyến khích vật chất trong xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ thu hẹp đáng kể quy mô xuất khẩu 64 triệu tấn của Trung Quốc như trong năm 2019, từ đó giảm sự cạnh tranh của thép nhập khẩu từ Trung Quốc trên các thị trường, chủ yếu trong khu vực như Đông Nam Á (riêng Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thép từ Trung Quốc, chiếm 48% tổng lượng nhập khẩu thép của Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam).

Quan trọng hơn, việc chuyển hướng của Chính phủ Trung Quốc sang khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc dùng nhiều hơn nguồn gang, phôi thép và thép phế nhập khẩu để sản xuất thép theo công nghệ lò điện hồ quang sẽ làm tăng đột ngột nhu cầu nhập khẩu, do đó, giá của những nguyên liệu này trên thị trường Thế giới sẽ tăng lên.

Ngược lại, việc nhập khẩu các nguyên liệu thay thế quặng sắt để sản xuất thép này sẽ làm giảm tương ứng nhu cầu nhập khẩu khổng lồ về quặng sắt và than mỡ luyện cốc của Trung Quốc, nhờ đó sẽ giảm áp lực về giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc/than cốc và trợ dung cho các nhà sản xuất thép theo công nghệ lò cao trên thế giới.

Lưu ý là, giá quặng sắt giao ngay đang ở mức cao nhất trong lịch sử, đạt 194,5 USD/tấn CFR vào ngày 27/4, cao hơn nhiều so với mức 86 USD/tấn một năm trước. Tương tự, giá than luyện cốc tại cảng Qinhuangdao của Trung Quốc cũng đã leo lên đến mức chưa từng có là 275 USD/tấn. Nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu quặng sắt và than luyện cốc sẽ làm giá quặng sắt và than mỡ luyện cốc trên thị trường thế giới giảm đáng kể.
 
VLXD.org (TH/ TNCK)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.