Cát, Đá, Sỏi

TT Huế: Thay thế cát tự nhiên bằng cát nghiền cần minh chứng từ thực tế

13/03/2023 - 11:40 SA

Gần đây, người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng lo lắng khi giá cát xây dựng tăng đột biến lại khan hàng. Mỗi m³ giá cát xây dựng tăng so với thời điểm cận kề trước Tết khoảng 100.000 đồng.

Các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều có thể sản xuất cát nghiền.

Nếu mỗi công trình chỉ cần vài m³ cát thì không nói làm gì. Đằng này, ít nhất mỗi nhà nếu chỉ xây dạng đơn giản, cấp 4 nhỏ gọn thì ít cũng vài chục khối. Nhà hai tầng trở lên, cứ bình quân mỗi m² xây dựng cần khoảng 0.05m³ (đối với cát vàng) và 0.02m³ đối với cát đen thì mỗi công trình cần vài chục đến trăm m³ cát. Như thế thì giá xây dựng sẽ đội lên rất nhiều. Đó cũng chính là điều người dân lo lắng. Hơn nữa, họ còn lo ảnh hưởng tiến độ do thiếu cát để xây dựng.

Tại Thừa Thiên Huế, thời điểm này chưa xảy ra tình trạng khan hiếm cát xây dựng. Tuy nhiên, mặt bằng giá chung hiện cũng khá cao, dao động từ 350.000 - 370.000 đồng/m³. Sở dĩ giá cát tại Thừa Thiên Huế vài năm gần đây cao hơn mặt bằng chung cả nước là do nguồn cát tự nhiên khan hiếm. Nhiều mỏ cát được cấp phép đã hết thời hạn khai thác. Hơn nữa, chủ trương của tỉnh là hướng tới việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Trước tiên là ở các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách, sau đó đến các công trình do người dân đầu tư. Dự kiến đến năm 2025 trở đi, tỷ lệ sử dụng cát nghiền trên địa bàn toàn tỉnh sẽ chiếm khoảng 80%. Riêng giai đoạn từ 2023 - 2024, tỷ lệ sử dụng cát nghiền khoảng 50% nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người dân vẫn có nhu cầu rất cao về cát tự nhiên cho việc xây dựng nhà ở. Thế nên, các đại lý cung cấp cát tự nhiên thường nhập từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… về cung cấp cho người dân trên địa bàn. Khu vực Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thường sử dụng cát nhập từ Quảng Trị. TP. Huế và các huyện thị phía Nam thì sử dụng cát từ Quảng Nam và một số tỉnh khu vực Nam miền Trung nhập về. Điều đó giải thích tại sao một số mỏ cát dù đã hết thời hạn khai thác vẫn chưa chịu đóng cửa và tình trạng khai thác cát chui ở một số lòng sông Bồ, sông Hương vẫn còn diễn ra, dù ngành chức năng đã không ít lần vào cuộc kiểm tra, xử phạt, truy thu hàng chục tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. Điển hình như giữa năm 2022, ngành thuế sau khi thanh, kiểm tra đã xử phạt 60 đơn vị hoạt động trái phép, truy thu 16,5 tỷ đồng trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Trở lại với việc sử dụng cát nghiền. Hiện, cát nghiền đã được sử dụng ở những công trình có vốn Nhà nước cho các hạng mục san lấp, nền móng. Riêng công trình nhà ở tư nhân vẫn còn rất ít trường hợp sử dụng cát nghiền… Điều đó cho thấy, tâm lý người dân vẫn còn e dè đối với việc sử dụng cát nghiền cho công trình xây dựng nhà ở và sản xuất các sản phẩm xây dựng, khi mà họ chưa được chứng thực hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vẫn chưa được chú trọng. Nhiều người vẫn mơ hồ về cát nghiền khi chúng tôi làm khảo sát nhỏ về việc có thể thay thế cát tự nhiên bằng cát nghiền. Họ cho rằng, chưa quen và chưa thể kiểm chứng chất lượng nên trong lúc vẫn mua được cát tự nhiên thì họ không chọn giải pháp thay thế.

Thế nên, để tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn việc khai thác cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến môi trường, an toàn tính mạng của người dân thì cần nhiều hơn nữa việc chứng minh hiệu quả của cát nghiền đối với công trình xây dựng dân dụng. Mà để làm được việc đó, có lẽ ngoài khuyến khích cũng nên có một số cơ chế chính sách, như hỗ trợ một phần nào đó đối với những người tiên phong chọn cát nghiền khi xây nhà; đồng thời hướng dẫn các kỹ thuật, công nghệ để công trình đạt chất lượng như mong muốn. Khi đã chứng minh được chất lượng thì việc người dân chọn lựa cát nghiền làm vật liệu xây dựng nhà cửa, sản xuất các sản phẩm xây dựng sẽ không khó. Lúc đó, sẽ không chỉ có hai đơn vị sản xuất cát nghiền như hiện nay mà cần nhiều hơn những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, góp phần tạo ra việc làm cho người lao động và quan trọng hơn là giúp bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường.

VLXD.org (TH/ Báo TT Huế)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.