Cát, Đá, Sỏi

Thế giới tiêu thụ khoảng 40 tỷ tấn cát xây dựng mỗi năm và chúng sắp cạn kiệt

08/08/2017 - 03:36 CH

Hành tinh của chúng ta nhiều nhất là nước, sau đến đất và cát. Người ta từng lo ngại nước sẽ cạn kiệt và cát xây dựng cũng không nằm ngoài mối lo đó.
Cát là loại vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Cùng với sỏi công nghiệp, cát là một trong 2 loại vật liệu xây dựng được chế xuất nhiều nhất trên thế giới. Đây là 2 loại vật liệu không thể thiếu để làm xi măng, bê tông và nhựa đường.

Ước tính mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 40 tỷ tấn cát để xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc khai thác cát gây tác hại lớn cho môi trường. Nạo vét sông, biển để lấy cát làm thay đổi dòng chảy, làm ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp.
 

Tại Việt Nam, những năm gần đây lệnh cấm khai thác trên nhiều tuyến sông bị cấm gắt gao sau khi xảy ra nhiều vụ sạt lở lớn ở một số nơi do dòng chảy bị thay đổi. Cơ quan chức năng hiện đang đau đầu cân đối giữa nhu cầu cát xây dựng với việc đảm bảo an toàn cho các đồng bằng ven sông.

Kể từ năm 2004, nhu cầu cát toàn cầu đã tăng gấp đôi. Châu Á hiện chiếm tới 70% tỷ liệu tiêu thụ cát công nghiệp được trên thế giới. Tính từ 2011 - 2013, Trung Quốc sử dụng lượng xi măng nhiều hơn tổng số lượng cát nước Mỹ sử dụng trong cả thế kỷ 20.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo các mỏ cát trên khắp thế giới đang dần cạn kiệt do dân số thế giới ngày càng đông, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Nhiều quốc gia trên thế giới do đô thị hóa nhanh đã phải đẩy mạnh nhập khẩu cát.

Có lẽ nhiều sẽ cho rằng cát ở sa mạc nhiều vô kể thì tại sao lại lo thiếu cát hoặc lo cát sẽ đắt đỏ. Dù vậy nhưng nhập khẩu cát nhiều nhất lại chính là những quốc gia ở vùng sa mạc. Cát trên sa mạc thường quá mịn nên không thể dùng trong xây dựng.

Cao ốc Burj Khalifa (cao nhất thế giới với chiều cao 830 m) ở Dubai (UAE) phải nhập hoàn toàn cát xây dựng của Australia để hoàn thành công trình. Đó là ví dụ vì sao các nước ở vùng sa mạc không giàu lên vì cát.

Khi các mỏ cát hiện tại cạn kiệt, trên thế giới vẫn sẽ còn cát ở đâu đó nhưng tất nhiên, các mỏ cát ít đi nên việc chế xuất sẽ trở nên khó khăn hơn, đắt đỏ hơn và cũng nguy hại hơn cho môi trường. Hiện tại cũng chưa có công nghệ nào cho phép tái sử dụng cát sau phá dỡ công trình.

Trong tương lai, thế giới sớm muộn gì cũng sẽ phải tìm ra loại vật liệu mới thay thế cát xây dựng và có trên hành tinh này nhiều như cát để tiếp tục xây dựng những nơi trú ngụ cho con người đang ngày mộ tăng nhanh.

Theo Economist
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.