Cát, Đá, Sỏi

Nhập khẩu cát: Hệ lụy tất yếu của việc khai thác cát bừa bãi

20/06/2017 - 05:51 CH

Khi nói chuyện nhập khẩu cát, không ít người tưởng chuyện đùa. Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng chúng ta đang sử dụng cát nhiều hơn bất cứ nguồn tài nguyên nào khác chỉ sau nước và không khí. Và nếu căn cứ vào thực trạng tài nguyên cát và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay thì chuyện nhập khẩu cát như là điều tất yếu. Tuy nhiên, sẽ nhiều người thấy buồn, đau lòng vì cát.
>> Nguồn cung hạn chế, giá cát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
>> Giá cát cao đỉnh điểm: Nhà thầu lao đao
>> Cát là tài nguyên đang được “săn lùng” nhiều nhất trên thế giới

Dự báo đúng nhưng lại không có kế hoạch, chiến lược khai thác hợp lý

Được biết, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về đề xuất nhập khẩu cát xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, nhưng đến năm 2020 nhu cầu này sẽ tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn. Với mức độ tiêu thụ cát xây dựng như vậy, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo.

Các chuyên gia vật liêu xây dựng cũng cho rằng, cát tự nhiên phục vụ xây dựng hiện nay không đủ đáp ứng tốc độ đô thị hóa và xây dựng. Việc khai thác cát không kiểm soát được sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Mặt khác, cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà có vai trò quan trọng trong kiến tạo đồng bằng, ổn định lòng và bờ sông. Cát còn tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh.

Vai trò của tài nguyên cát và sự cạn kiệt của nó dường như đã được dự báo trước. Ấy vậy mà, các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại không có những biện pháp, chính sách cụ thể để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này.
 

Khai thác tận thu, bừa bãi

Từ các khu căn hộ, cao ốc văn phòng và tới trung tâm thương mại, chỗ nào cũng được xây bằng bê tông – vật liệu được tạo ra từ cát sỏi trộn với xi măng. Mỗi mét đường nhựa kết nối tất cả các tòa nhà, mỗi khung cửa sổ cũng đều có thành phần từ cát. Điều đó cho thấy, cát là vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Đáng buồn là, tình trạng khai thác cát bừa bãi trải dài khắp đất nước. Từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi lên miền ngược. Chẳng chừa nơi nào! Trên các dòng sông Lô, sông Chảy, sông Hồng, sông Gâm, sông Thạch Hãn, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Hậu, sông Tiền..v..v. Hết sông đến suối! Thậm chí, để lấy được lớp cát nằm sâu bên dưới, hàng trăm hecta rừng đã bị đào xới không thương tiếc.

Hoạt động khai thác cát tràn lan trên nhiều dòng sông đã được cảnh báo từ rất lâu. Nhưng có vẻ các cơ quan, chính quyền địa phương chưa làm đúng, không làm hết trách nhiệm của mình. Thế mới có chuyện buồn  đó là đích thân Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng vì “cát tặc”.

Pascal Peduzzi – chuyên gia nghiên cứu của chương trình môi trường Liên hợp quốc cho biết: “Đây là sự phát triển không bền vững. Tương tự như việc chặt phá rừng”.

Để lại hệ lụy nghiêm trọng

Việc khai thác cát theo kiểu phá hoại trên các con sông như hiện nay là một thách thức cho sự bền vững môi trường, gây ảnh hưởng, đe dọa đến an toàn và an sinh xã hội của toàn vùng đồng bằng ven sông biển.

Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện từng nói: “Hệ lụy của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra “hàm ếch” rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông. Việt Nam nên dừng khai thác cát bán”.

Thực tế, tình trạng sạt lở bờ tương đối lớn, thiệt hại nhiều đang trên toàn hệ thống sông Cửu Long. Trong đó, các tỉnh phía thượng nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ đang chịu hậu quả nặng nề.

Mặt khác, khi 11 dự án thủy điện trên sông Mekong qua Lào và Campuchia được xây dựng xong thì vùng đồng bằng sông Cửu Long không còn được phù sa, cát sỏi bồi đắp như bao đời nay nữa, mà chỉ có sạt lở và sạt lở, kể cả bờ biển.

Nguy cơ “tan rã” đồng bằng Sông Cửu Long đường như đã nhận được quả báo “nhãn tiền”. Và chúng ta chỉ có thể hãm lại nguy cơ ấy chứ không thể nào chặn đứng hoàn toàn.

Từ thực tế những chuyện trên cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải ý thức được rằng, không nguồn nào trong số đó là vô hạn cả và cái giá phải trả cho việc khai thác tài nguyên đang ngày càng đắt đỏ hơn. Cát không chỉ là khoáng sản, là vật liệu xây dựng, mà cần phải hiểu sâu sắc hơn, đó là một phần lãnh thổ.

Bởi vậy, từ một nguồn tài nguyên sẵn có, quý giá, nhưng đã xảy ra tình trạng đào bới, khai thác tận thu “lãnh thổ” của mình để xuất bán cho người ta với giá bèo. Để rồi giờ đây, mình lại phải nhập về để phục vụ cho việc kiến thiết đất nước. Cát - xung quanh chuyện “tận thu - xuất - nhập”, nghĩ thôi cũng đủ khiến mỗi con dân đất Việt đau lòng.

Theo DĐDN
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.