Cát, Đá, Sỏi

Vật liệu nhân tạo thay thế cát tự nhiên có an toàn?

12/07/2017 - 03:51 CH

Từ đầu năm tới nay, sau khi các địa phương siết chặt việc khai thác cát lậu, giá cát tăng mạnh, nguồn cát tự nhiên phục vụ các công trình xây dựng và giao thông khan hiếm, khiến nhiều ý kiến cho rằng, phải có nguồn vật liệu nhân tạo thay thế…
>> Thủ tướng yêu cầu tìm phương án cung ứng cát đảm bảo môi trường
>> Cát nhân tạo - giải pháp thiết thực thay thế cát tự nhiên

Vật liệu thay thế có khả thi?

Sau khi giá cát tăng mạnh, nguồn cát khan hiếm, nhiều công trình xây dựng buộc phải thi công trong tình trạng cầm chừng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã chủ động tìm các nguyên liệu khác có thể thay thế cát tự nhiên. Tuy nhiên, người dân và chính chủ công trình luôn đặt ra câu hỏi, liệu vật liệu thay thế cát tự nhiên có đảm bảo chất lượng?

Ông Võ Văn Thường, Tổng giám đốc Công ty vật liệu xây dựng Thành Trí tại Vũng Tàu cho biết, hiện nay đã có các loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên, như: cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ, thạch cao... đáp ứng được các công năng của cát.

Giải thích về các loại cát nhân tạo này, ông Thường cho biết, cát nhân tạo là loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể thay thế hoàn toàn hoặc một phần cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.

“Tùy theo mục đích mà sử dụng các loại nguyên liệu khác nhau để thay thế cát. Ví dụ, để làm bê tông thì người ta dùng cát nghiền từ đá, loại cát này đã được sử dụng để xây các công trình lớn như thủy điện. Ngoài ra, tro, xỉ, thạch cao có thể thay thế cát làm nền, nhưng để làm vữa thì không thể dùng loại nguyên liệu này để thay cát được”, ông Thường nói.

Nói về ưu điểm của cát nhân tạo, Thường cho biết, nếu ở vùng cao, chi phí vận chuyển cát từ đồng bằng lên có khi còn lớn hơn giá trị của cát. Cho nên, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ mà sản xuất được cát nhân tạo sẽ mang nhiều lợi ích và khắc phục được tình trạng thiếu cát ở các vùng núi.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Văn Tuấn, Giảng viên khoa Xây dựng Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về phê duyệt đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thay thế cát san lấp thì không chỉ giải quyết được bài toán khan hiếm cát, mà còn phần nào bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên.

“Hiện nay, các loại cát nhân tạo đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là những nơi thiếu cát tự nhiên trầm trọng, khó vận chuyển thì đây là giải pháp tối ưu. Chính vì vậy, người dân và các chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng… hãy an tâm về chất lượng của vật liệu cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên”, ông Tuấn nói.
 

Cần quy hoạch vùng với vật liệu nhân tạo

Tính năng và chất lượng của cát nhân tạo đã rõ ràng, tuy nhiên ông Thường và cả ông Tuấn đều cho rằng, phải có quy hoạch vùng, xây dựng những nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nhân tạo bài bản mới có thể đáp ứng số lượng lớn nguyên liệu mà thị trường cần.

Chỉ ra điều này, ông Tuấn đưa số liệu của Trung tâm Dự báo và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cho thấy, tính đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần 1 - 3 tỷ m3 vật liệu san lấp, 120 triệu m3 cát xây dựng. Trong khi đó, trên toàn quốc có 559 cơ sở khai thác, chế biến cát xây dựng với tổng công suất đạt gần 29 triệu m3/năm, có 71 cơ sở khai thác cát san lấp với tổng công suất khai thác đạt 4,5 triệu m3/năm. Khi nguồn cung không đủ cầu thì cũng dễ để lý giải cho hiện tượng cát tặc lộng hành khắp các địa bàn trên toàn quốc.

“Việc dự báo nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng và vật liệu san lấp cũng như việc quy hoạch phát triển vật liệu thay thế cát tự nhiên được các cơ quan ngành xây dựng nắm bắt và thực hiện cách đây hơn 15 năm. Thế nhưng, dường như quy hoạch này không được sử dụng tới khi mà người ta dễ dàng mua được cát với giá rẻ và sử dụng nó cho nhiều mục đích khác nhau, vừa để xây dựng vừa để san lấp.

Ngay cả khi nguồn cung cát tự nhiên rất hạn chế và việc cấp phép khai thác với số lượng cũng hạn chế, thế nhưng do cơ chế quản lý lỏng lẻo tại địa phương, cát tự nhiên vẫn được khai thác đều đặn, thường xuyên từ các lưu vực sông để cung cấp đủ cho nhu cầu xây dựng và san lấp của người dân và doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Câu chuyện cần có quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu nhân tạo khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng cần được đặt ra cấp bách khi mà thị trường đang ảnh hưởng khá nhiều từ việc biến động giá cát.

“Chính phủ cần có quy hoạch cụ thể ở từng tỉnh, thành phố để xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nhân tạo. Chỉ có như vậy mới có thể giúp thị trường có vùng nguyên liệu ổn định cho thị trường”, ông Nguyễn Thành, Giám đốc khối xây dựng Công ty bất động sản Cát Tường Long An đề xuất.

Theo ĐTCK
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.