Cát, Đá, Sỏi

Đồng loạt siết khai thác cát, giá cát ngày càng tăng

25/07/2017 - 04:20 CH

Thời gian qua, chính quyền một số địa phương đề ra chủ trương không cho xuất cát ra khỏi địa bàn, tăng cường giám sát hoạt động các mỏ cát và ngừng cấp phép tận thu cát…khiến nguồn cung khan hiếm, giá cát ngày càng tăng cao, nhiều công trình gặp khó.
Đồng loạt siết khai thác cát

Ngày 13/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng, duy tu các tuyến luồng hàng hải, cửa sông, cửa biển thuộc địa phận Quảng Ngãi để khai thác cát trái phép.

Tại Bình Định, ngày 14/7, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định và các cảng biển không được làm thủ tục để vận chuyển cát xây dựng ra khỏi tỉnh. Lý do được đưa ra là hiện tỉnh Bình Định cần lượng cát xây dựng rất lớn để phục vụ xây dựng các công trình thiết yếu của tỉnh, nhưng trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn rất hạn chế.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ra văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, các bến bãi tập kết vật liệu cát sỏi, không đảm bảo môi trường, vận chuyển quá tải gây hư hỏng đường xá, hoặc không đảm bảo an toàn thì kiên quyết đình chỉ và yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thu hồi giấy phép hoạt động bến bãi đã cấp...

Đối với Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát lại các bến, bãi tập kết cát hiện nay đang hoạt động trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ các bến, bãi tập kết cát (tại các vị trí không đúng theo quy hoạch của thành phố) khẩn trương giải phóng lượng cát còn lại, không được phép tăng trữ lượng cát mới, đồng thời có kế hoạch di dời các phương tiện máy móc, thiết bị, hoàn trả lại mặt bằng đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực và bàn giao lại cho địa phương quản lý..


Nhiều địa phương đồng loạt siết khai thác cát, giá cát ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa.

Nhiều công trình gặp khó do thiếu cát

Giá cát xây dựng tại các tỉnh thành miền Trung thời gian qua tăng hơn so với thời điểm đầu năm, thậm chí tăng gấp đôi, gấp 3.

TP Đà Nẵng không có nguồn cát xây dựng và san lấp mặt bằng, chủ yếu thụ hưởng nguồn cát từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa về. Nguồn cung ứng cát bị hạn chế, phí vận chuyển tăng theo khiến giá cát từ đó cao ngất ngưởng. Đặc biệt, các loại cát hiện xấu hơn so với trước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận mua.

Theo khảo sát của Pháp luật VN, giá cát vàng (cát xây dựng) tại Đà Nẵng trong hơn 1 tháng nay đang ở mức 300.000 đồng/m3, cát đen (cát san lấp) trên 100.000 đồng/m3, cao hơn 2 lần so với thời điểm trước đó 1 tháng. Các kho, bãi chứa cát của các đại lý chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở một số nơi đã thông báo hết cát. Nhiều nhà đầu tư xây dựng, đơn vị thầu san lấp mặt bằng các dự án như: Đa Phước, khu du lịch ven sông Hàn, các công trình trọng điểm phục vụ APEC ở Đà Nẵng… khi được hỏi về giá cát đều “than trời”.

Còn tại Bến Tre, hiện nay, nhu cầu cát phục vụ san lấp, xây dựng trên địa bàn tỉnh Bến Tre rất cao dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, cát nguyên vật liệu khan hiếm kéo theo giá cát ngày càng tăng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, dự báo nhu cầu sử dụng cát trong các dự án trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ nay đến năm 2020 là khoảng trên 9,5 triệu m3 cát san lấp và khoảng trên 1 triệu m3 cát xây dựng.

Tại Bến Tre, nguồn cát xây dựng hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các tỉnh Đồng Nai, An Giang và Đồng Tháp. Đối với cát san lấp, toàn tỉnh có sáu mỏ cát còn hiệu lực giấy phép khai thác, gồm ba mỏ cát trên tuyến sông Hàm Luông, hai mỏ cát trên tuyến sông Cổ Chiên và một mỏ cát trên sông Cửa Đại.

Trong đó, hai mỏ cát đang hoạt động (mỏ cát Phụng Châu trên sông Cổ Chiên, thuộc huyện Chợ Lách và mỏ An Hiệp trên sông Cửa Đại, thuộc huyện Bình Đại); một mỏ cát hoạt động theo mùa, do gần cửa biển; hai mỏ cát bị đình chỉ khai thác do chưa thực hiện đúng các nội dung theo giấy phép và một mỏ bị buộc tạm dừng hoạt động do bị xử phạt hành chính và đang cho lập hồ sơ để khai thác trở lại.

Với hai mỏ cát đang hoạt động là mỏ cát Phụng Châu và mỏ cát An Hiệp, trữ lượng cát san lấp khoảng 400.000m3, sử dụng trong khoảng 2 năm nhưng đến nay đã khai thác được 7 tháng.

Từ tháng 4 – 6/2017, nguồn cung cát san lấp và cát xây dựng bị khan hiếm, giá cả tăng cao và không có dấu hiện giảm. Các công trình trên địa bàn tỉnh Bến Tre gặp khó khăn do thiếu cát nên tiến độ thi công chậm.

Sở Xây dựng Bến Tre đề xuất, để các dự án trên địa bàn tỉnh không bị chậm trễ trong thi công thì trong thời gian tới đối với các mỏ cát chuẩn bị đấu thầu, đề nghị UBND tỉnh ra cam kết với các doanh nghiệp ưu tiên cung ứng cát cho các dự án trong tỉnh.

Mạnh Thân - VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.