Tin tức

Vật liệu xây không nung - Xu hướng tất yếu trong phát triển công nghệ sạch

04/08/2014 - 08:36 SA

Hiện nay tỉnh Quảng Bình đang từng bước triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu trong việc phát triển công nghệ sạch. 
Theo nội dung chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành liên quan thì những VLXKN gồm: gạch xi măng cốt liệu, vật liệu nhẹ như gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt và một số sản phẩm khác như đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp...

Từ năm 2013, tại các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước buộc phải sử dụng 100% vật liệu không nung (đối với các các đô thị loại 3 trở lên) và tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% nhằm phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò nung thủ công và cơ sở sản xuất gạch block nhỏ lẻ.


Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành liên quan tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung
 Cosveco.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ và Bộ xây dựng, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 10CT-CT ngày 11-6-2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành kế hoạch phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương.

Theo đó, trước mắt duy trì các lò gạch tuynel hiện có và khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất VLXKN. Đến năm 2015 chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu khí... Tỉnh cũng quy định các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các đô thị loại 3 phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ năm 2014, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% VLXKN.

Tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1. Theo đó, tháng 4/2014, Công ty đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco với công suất 80 triệu viên/năm tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Phương, Giám đốc Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển VLXKN của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, sau một thời gian nghiên cứu và khảo sát công nghệ sản xuất trong nước và ngoài nước, tháng 6/2013, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 đã thống nhất phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung với công suất 80 triệu viên/năm theo công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức. Với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, nhà máy được thiết kế với hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ và tiên tiến. Nhà máy bao gồm 1 dây chuyền sản xuất gạch các loại và 1 dây chuyền sản xuất gạch lát sân nền, vỉa hè cao cấp.

Sau hơn 5 tháng triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị và tiến hành chạy thử, đến nay, nhà máy đã đi vào sản xuất đạt công suất thiết kế, sản phẩm đạt chất lượng tốt theo TCVN, phù hợp cho các công trình xây dựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Việt Nam.

Khác với sản xuất gạch truyền thống đó là gạch nung phải sử dụng nguyên liệu đất sét và dùng nhiên liệu như than, củi để đốt, thải ra khói, gây ô nhiễm môi trường, gạch không nung sử dụng xi măng, cát, mạt đá và chất phụ gia, được sản xuất trên dây chuyền nén thủy lực, gạch sẽ tự đóng rắn và đạt các chỉ số về cơ học như: cường độ nén, uốn, độ hút nước...

Với dây chuyền công nghệ như hiện tại, Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosevco có thể sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, với nhiều mẫu mã khác nhau, phù hợp với các công trình xây dựng và góp phần nâng cao hiệu quả kiến trúc.

Đặc biệt, với nhiều ưu điểm vượt trội: không bị phân hóa, chống thấm tốt, chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, ít hao tốn vữa xây dựng, tiết kiệm nhân công xây dựng và đặc biệt thân thiện với môi trường, các sản phẩm chủ yếu của nhà máy như: gạch 2 lỗ, 3 lỗ, 4 lỗ, gạch đặc và các loại gạch lát sân, vườn, vỉa hè đã sớm được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Việc ra đời của Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosvevco trong thời điểm hiện nay là hướng đi đúng trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thay thế dần sản phẩm gạch nung của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Cosvevco 1.

Điều này cũng đã được đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ghi nhận và khẳng định tại lễ khánh thành nhà máy vừa qua. Không những đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng, phục vụ tốt thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, nhà máy còn góp phần giữ gìn đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực của địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả Kinh tế - Xã hội cho tỉnh nhà.

Theo Báo Quảng Bình

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.